Xác định cơ cấu thu ngân sách hợp lý

00:00 - Thứ Hai, 14/03/2016 Lượt xem: 2575 In bài viết
Cơ cấu nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có mối liên hệ chặt chẽ đối với sự ổn định, bền vững của NSNN và có tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, để bảo đảm các nhu cầu chi tiêu và nâng cao tính bền vững của NSNN, điều cần thiết là xác định một cơ cấu thu ngân sách hợp lý, đúng đắn, từng bước tiến tới giảm nợ công, tăng tính tự chủ và phân cấp ngân sách hơn nữa cho địa phương.

Mới đây, theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, qua theo dõi thực tế cơ cấu thu NSNN trong những năm qua, có thể thấy, tuy quy mô và tốc độ thu NSNN vẫn luôn có xu hướng tăng nhanh qua các năm (với mức tăng bình quân khoảng 12% đến 15%), nhưng nguồn thu của NSNN vẫn còn thiếu tính bền vững do chưa hợp lý về cơ cấu các nguồn thu.

Đánh giá tính ổn định của cơ cấu nguồn thu hiện tại, TS Phan Hữu Nghi cho rằng, nếu chỉ xét về số thu NSNN trong 5 năm qua có thể nói thu NSNN liên tục tăng qua các năm; năm 2016 này cũng vẫn cho thấy những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, cơ cấu thu NSNN vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn thu có tính ổn định không cao và không bền vững, như thu từ xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô, từ tiền sử dụng đất, khi tổng các nguồn thu này chiếm khoảng 35% tổng thu. Thu từ dầu thô chiếm 10% đến 13%, thu từ xuất nhập khẩu chiếm trên 17%, mà đây là những khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc quan trọng là phải thay đổi cơ cấu thu sao cho nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh trong nước tăng lên, giảm bớt phụ thuộc vào thu từ dầu và thu thuế xuất nhập khẩu.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần khẩn trương cơ cấu lại nguồn thu NSNN và lành mạnh hóa phân cấp chi giữa ngân sách Trung ương và địa phương. Trong khi nguồn thu ngân sách địa phương hết sức hạn chế, phần lớn trông vào các khoản thu từ đất đai,... khiến rất nhiều địa phương hiện nay thu không đủ bù chi. Nếu vẫn tiếp tục giữ cơ cấu phân cấp thu như hiện nay, thiết nghĩ sẽ làm tăng tính thụ động trong huy động nguồn thu ở địa phương. Chính vì vậy, cơ cấu thu cần được điều chỉnh hợp lý hơn (tỷ trọng thu nội địa cao; tỷ trọng thuế trực thu, như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế đánh vào tài sản tăng lên gắn liền với tăng khả năng kiểm soát thu nhập và tài sản) sẽ giúp nâng cao tính bền vững của thu NSNN. Không những thế, thu NSNN phải lấy mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu là mục tiêu quyết định sự ổn định và phát triển nguồn thu, và cần đổi mới quy trình NSNN nói chung và quy trình ngân sách địa phương (NSĐP) nói riêng theo hướng tách bạch, rõ ràng. Muốn bảo đảm tính độc lập tương đối của chính quyền địa phương trong việc lập, quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán NSĐP thì Chính phủ cần bỏ cơ chế giao chỉ tiêu nhiệm vụ thu cho các địa phương, thay vào đó là cơ chế thu theo luật - địa phương phải chấp hành. Bên cạnh đó, xem xét lại cơ chế thưởng vượt dự toán thu cho các địa phương, coi việc chấp hành pháp luật thu ngân sách là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Ngoài ra, các giải pháp quan trọng khác cũng được đề xuất, trong đó, cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất..., tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách; tăng kim ngạch xuất khẩu đi đôi với đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại; tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp... Việc xem xét lại tính chất của các nguồn thu để dành cho chi đầu tư phát triển, xem xét lại và cơ cấu lại chi thường xuyên sao cho chi thường xuyên phải nhỏ hơn thu thường xuyên cũng đóng vai trò rất quan trọng... Đây là những khuyến nghị rất đáng quan tâm trong công tác bảo đảm thu NSNN bền vững hiện nay.

Thu Ngân sách Nhà nước bao gồm: Thuế, phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân nộp theo quy định của pháp luật; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân; các khoản viện trợ (mang tính chất không hoàn lại) và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top