Zebu hóa đàn bò địa phương: Giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc

00:00 - Thứ Sáu, 18/03/2016 Lượt xem: 3948 In bài viết
ĐBP - Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng đàn gia súc địa phương, từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai chương trình cải tạo đàn bò địa phương với các nội dung: Áp dụng tiến bộ khoa học vào sinh sản, giúp người dân chủ động cải tạo giống bò, từng bước nâng cao chất lượng trong chăn nuôi, mở ra hướng chăn nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn...

Là tỉnh có lợi thế diện tích tự nhiên rộng, hầu hết các vùng trên địa bàn tỉnh có nguồn thức ăn dồi dào nên rất phù hợp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là phát triển chăn nuôi bò theo quy mô trang trại, gia trại. Tuy nhiên, trước năm 2005, việc chăn nuôi, phát triển đàn bò trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do nông dân tự thực hiện. Người dân chủ yếu chăn nuôi theo kinh nghiệm, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mỗi gia đình nuôi một vài con nhằm tạo sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, hoặc mua bán, trao đổi phát triển kinh tế hộ và hầu hết là giống bò địa phương nên giá trị kinh tế thấp. Để phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đặc biệt là nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi đại gia súc của người dân địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định: cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò địa phương thông qua việc lai tạo giống bò địa phương với giống bò ngoại nhập (Zebu), mà chủ yếu là các giống bò: Red Sindhi, Drought master là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Sau 10 năm (từ năm 2006 - 2016), thực hiện Zebu hóa đàn bò địa phương, bình quân mỗi năm, Trung tâm được cấp gần 100 triệu đồng cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò địa phương. Phương pháp cải tạo chủ yếu là hỗ trợ nông dân thụ tinh nhân tạo, để tạo ra con bê có ngoại hình, tầm vóc và tính năng sản xuất cao hơn so với bò vàng địa phương. Các hộ dân tham gia chương trình Zebu hóa đàn bò được Nhà nước hỗ trợ 100% tinh trùng bò hướng thịt Zebu, nitơ bảo quản lạnh, vật tư phối giống, cước vận chuyển; hỗ trợ 50% công phối giống đối với các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực 1, 100% với khu vực 2. Hoặc sử dụng bò đực lai F2 phối giống trực tiếp (áp dụng cho những vùng không thực hiện được thụ tinh nhân tạo), với định mức: Nhà nước hỗ trợ 80% giá mua giống bò đực lai F2 để phối giống trực tiếp cho bò cái tại địa phương. Sau khi bò đực lai F2 tạo được 100 bê lai thì chủ hộ, nhóm hộ nuôi bò đực lai F2 được quyền sở hữu con bò đực giống đó. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm Phát triển chăn nuôi còn thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người chăn nuôi cách nhận biết một số giống bò lai, phát hiện bò động dục, chăm sóc bò có chửa và bê sơ sinh đến trưởng thành; hướng dẫn cách tính toán hiệu quả kinh tế khi chăn nuôi bò lai và hướng phát triển đàn bò. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật Trung tâm còn thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh để đảm bảo con giống phát triển theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn.

Ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi cho biết: Chương trình Zebu hóa đàn bò địa phương, trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng cho kết quả tốt. Bê lai có trọng lượng từ 18 - 23kg/con, nặng hơn bê giống địa phương từ 5 - 7kg/con; bê lai có sức đề kháng tốt, nhanh lớn, trong thời gian 6 tháng, trọng lượng trung bình đạt từ  70 - 90kg (để đạt được trọng lượng này, giống bê địa phương cần thời gian chăm sóc 12 tháng). Bò đực lai Zebu trưởng thành có trọng lượng bình quân từ 1.100 - 1.250kg/con, cao hơn nhiều so với giống bò vàng địa phương, bình quân từ 750 - 1.100kg.

Sau 10 năm triển khai Zebu hóa đàn bò địa phương, Trung tâm Phát triển chăn nuôi triển khai hỗ trợ hàng nghìn lượt hộ lai tạo bò giống. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm gần 10% tổng số đàn bò địa phương (50.036 con). Trong đó, huyện Điện Biên là huyện có tỷ lệ bò Zebu hóa cao nhất (trên 20%).

Diệp Linh
Bình luận
Back To Top