Mở hướng phát triển cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

00:00 - Thứ Năm, 31/03/2016 Lượt xem: 2090 In bài viết
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Việc nghiên cứu, chọn tạo ra các loại cây lương thực có khả năng thích nghi với BĐKH đang là nhiệm vụ cấp bách của các nhà khoa học. Trong thời gian qua, các nhà khoa học nước ta đã thu được những kết quả bước đầu trong việc chọn tạo những giống cây trồng thích ứng với úng ngập, hạn hán…

Cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nghiên cứu tính chịu mặn của các giống lúa.

Tầm nhìn xa cho những dự án lớn

GS, TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (DTNN) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn chúng tôi đến từng phòng thí nghiệm nghiên cứu giống cây trồng ứng phó với tình trạng BĐKH. Theo đánh giá của các chuyên gia, BĐKH đang đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực và sinh hoạt của nông dân vùng nhiệt đới. Tính đến cuối thế kỷ 21, dự kiến nhiệt độ ở Việt Nam sẽ tăng từ 2oC đến 3oC và mực nước biển dâng khoảng 75 cm. Nếu không tiến hành các biện pháp tích cực, Việt Nam sẽ phải đối đầu với sự ảnh hưởng của BĐKH từ năm 2020, nhất là ở các vùng đồng bằng, sẽ có khoảng 20 triệu dân bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam là một trong năm quốc gia châu Á sẽ phải đối mặt với an ninh lương thực và là những nước chịu ảnh hưởng BĐKH lớn nhất trên thế giới. Năm 2015, có 746 nghìn héc-ta lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, 79 nghìn héc-ta lúa ở đồng bằng ven biển sông Hồng và hàng trăm nghìn héc-ta lúa ở các tỉnh duyên hải miền trung bị nhiễm mặn. Nhiều nơi, độ nhiễm mặn đạt 4‰ làm lúa chết hoặc giảm năng suất nghiêm trọng.

Đưa chúng tôi đến phòng thí nghiệm chọn tạo giống lúa, Viện trưởng Lê Huy Hàm không giấu được niềm vui: “Chúng tôi đã thành công rồi! Thông qua hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chọn tạo được nhiều giống lúa có khả năng chịu ngập, chịu mặn”. Đưa chúng tôi xem một mẫu lúa thử nghiệm, Viện trưởng Lê Huy Hàm cho biết, đây là giống lúa OM22 được tạo thành từ giống gốc là OM6976 đã được đưa gien chịu mặn, thể hiện tính chống chịu tốt ở độ mặn 4‰; khá ở độ mặn 6‰; vẫn giữ được năng suất, chất lượng tương đương với giống ban đầu. Bên cạnh đó là hàng loạt giống lúa đang được trồng đại trà ở Việt Nam như OM5451, AS996, Khang dân, Bắc
thơm 7… cũng đã được nghiên cứu để đưa các gien chịu mặn, chịu ngập vào. Viện DTNN đã tạo được 12 giống lúa khảo nghiệm cho cả hai miền nam, bắc. Trong đó, giống OM22 đã được công nhận sản xuất thử cho phía nam, các giống còn lại đang trong quá trình khảo nghiệm và sẽ sớm được đưa ra sản xuất. Việc đưa gien chịu mặn vào các giống lúa không phải là tạo thành loại cây trồng “biến đổi gien” như mọi người vẫn nghĩ, đây chính là thành công của các cán bộ, các nhà khoa học của Viện DTNN khi đã hoàn thiện phương pháp Marker Assisted Backrossing (MABC) để nâng cao tính chịu mặn của giống mà vẫn giữ nguyên các đặc tính nông, sinh học khác. Do đó, khi đưa vào sản xuất, người nông dân vẫn có thể sử dụng tên cũ, chỉ thêm từ “chịu mặn” như: AS996 chịu mặn, OM6976 chịu mặn, Bắc thơm chịu mặn… Điển hình là trong thời gian vừa qua, Viện DTNN đã cho trồng thử nghiệm giống lúa chịu mặn, chịu ngập tại một số vùng như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Qua thực tế cho thấy, khi có tình trạng ngập nước đến 15 ngày, nhiễm mặn ở mức từ 4‰ đến 6‰ trong thời gian một tuần đến hai tuần, hầu hết các giống lúa cũ đều chết, nhưng riêng các giống mới thì vẫn phát triển tốt. Các nhà khoa học Viện DTNN đã có những thành công bước đầu khi tạo được những giống lúa chịu ngập, chịu mặn. Đây là cơ sở cho những nghiên cứu lâu dài, ứng phó với BĐKH. Riêng dự án nghiên cứu chọn giống lúa ứng phó BĐKH, Viện DTNN đã đào tạo được bốn tiến sĩ, bốn thạc sĩ và đăng được 29 bài báo trên các tạp chí trong nước, quốc tế.

Tại Viện DTNN, các nhà khoa học không chỉ có các công trình nghiên cứu về các giống lúa, mà còn có các công trình nghiên cứu về các giống hoa, quả năng suất cao, sạch bệnh; giống hoa có giá trị kinh tế để xuất khẩu; giống ngô, đậu tương, sắn với năng suất cao… Tại đây luôn có các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, cùng nghiên cứu và đã thu hút được nhiều nhà khoa học, các nghiên cứu sinh trong nước cùng đến cộng tác. Viện trưởng Lê Huy Hàm chia sẻ với chúng tôi: “Hầu hết những nghiên cứu sinh được Viện DTNN cử đi nước ngoài nâng cao kinh nghiệm đều quay về Viện làm việc. Tình trạng chảy máu chất xám, mất nguồn nhân tài gần như là không có”. Trong thời gian qua, Viện đã thực hiện hàng chục đề tài, dự án cấp quốc gia và cấp bộ, hàng chục bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế; nhiều công trình được công bố trên hội nghị, hội thảo quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ nhiều giống cây trồng, đào tạo hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ. Hàng chục lượt cán bộ đi nước ngoài nâng cao trình độ, hơn 500 sinh viên đã được đào tạo, bảo vệ luận án tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi…

Cần chiến lược lâu dài

Hiện nay, trong công tác nghiên cứu về gien và các loại cây trồng thích ứng với BĐKH, các nhà khoa học còn gặp nhiều khó khăn, rào cản về cơ chế hoạt động; nhận thức của người dân và các lãnh đạo bộ, ngành vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức. Như tại Viện Công nghệ sinh học (CNSH), chúng tôi được biết, đã có nhiều đề tài nghiên cứu thành công khi chuyển những gien vào một số cây trồng như: xoan, đu đủ, cây lily, thuốc lá… tăng khả năng chịu mặn, hạn và chịu nóng, nhưng khả năng để đưa được vào ứng dụng thực tiễn còn vướng nhiều rào cản. Đầu tiên là chính sách của Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư số 72/2009/TT-BNNPTNT vào ngày 17-11-2009, quy định danh mục loại cây trồng biến đổi gien, nhằm đánh giá rủi ro cho môi trường và làm giống cây trồng ở Việt Nam. Theo đó, Nhà nước mới chỉ yêu cầu tập trung nghiên cứu vào ba loại: ngô, đậu tương và bông vải, còn các đối tượng cây trồng khác chưa được khuyến khích. Đến nay, đã có nhiều đề tài đang được triển khai với hy vọng sẽ tạo được các giống tốt hơn, phù hợp với điều kiện khí hậu và canh tác ở Việt Nam. Nhưng theo PGS, TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện CNSH, vẫn còn những cơ chế gây khó khăn cho người làm khoa học, khi cơ chế đãi ngộ và thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu chưa thỏa đáng. Đối với các nghiên cứu về biến đổi gien, ước tính trên thế giới, mỗi nghiên cứu cho một giống từ lúc đi tìm gien cho đến lúc đưa vào sử dụng, kinh phí từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD và mất thời gian từ 10 đến 15 năm. Đấy chưa kể họ còn có những trang thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất, còn tại Việt Nam, luôn thiếu các phòng thí nghiệm hiện đại, trang thiết bị chưa được cập nhật thường xuyên, nhiều thiết bị mua từ những năm trước đã quá cũ, khó có thể sử dụng hiệu quả cho nghiên cứu. Các đề tài, dự án trong lĩnh vực gien từ trước luôn được định lượng theo “giai đoạn” thời gian chu kỳ khoảng từ ba năm đến năm năm, kinh phí lại khá eo hẹp, cho nên các nhà khoa học gặp khó khăn trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu.

Theo Viện trưởng Lê Huy Hàm, cần có những hỗ trợ thiết thực hơn trong việc nghiên cứu về giống cây trồng biến đổi gien, có nhiều đơn vị nước ngoài sẵn sàng hợp tác với Viện DTNN, hỗ trợ về kinh phí để nghiên cứu, nhưng họ cũng yêu cầu chúng ta bỏ ra một phần vốn đối ứng. Đối với những người làm khoa học, đây là vấn đề khó có thể giải quyết được. Thêm một tin vui nữa đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cây trồng biến đổi gien, theo PGS, TS Chu Hoàng Hà hiện nay trên thế giới đã có kỹ thuật chỉnh sửa hệ gien (genom editing), không cần phải đưa gien ngoại lai vào cây giống mà vẫn tạo được cây chống chịu tốt. Giờ đây, các nhà khoa học có thể nghiên cứu về các gien trên một loại cây, tìm những gien có khả năng chống, chịu bệnh, thời tiết nhưng yếu và chỉnh sửa lại để có tác dụng mạnh hơn. Các giống cây trồng mới được tạo ra bằng công nghệ này có thể vượt qua được rào cản hạn chế đối với cây chuyển gien, tránh được những ý kiến lo ngại về những tác hại của cây trồng biến đổi gien.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nguyễn Quân cho biết, đối với các nghiên cứu về biến đổi gien, Bộ KH và CN có hai định hướng lớn: Một là, cần nghiên cứu đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gien với con người, môi trường trước khi đưa vào sản xuất. Hai là, Việt Nam tiến tới tự làm chủ công nghệ biến đổi gien, tránh việc bị phụ thuộc vào việc nhập giống từ nước ngoài. Việc triển khai các đề tài nghiên cứu phải thực hiện theo chuỗi giá trị của sản phẩm, không nhất thiết đề tài phải thực hiện theo giai đoạn, có thể thực hiện nối tiếp nhau, hoặc theo dự án thử nghiệm, đầu tư. Chính vì thế, các chương trình quốc gia không còn giới hạn 5 năm như các chương trình trọng điểm (sau 5 năm phải tổng kết, đánh giá) nên thường bị ngắt quãng. Chỉ khi nào có sản phẩm thì nhiệm vụ, dự án mới kết thúc. Thời gian tới, Bộ KH và CN sẽ chuyển dần các chương trình trọng điểm lồng ghép vào chương trình quốc gia để không bị hạn chế và đứt đoạn trong thời gian nghiên cứu.

Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ các bộ, ngành có liên quan, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và quy định rõ ràng đối với việc nghiên cứu cây trồng biến đổi gien. Khắc phục tình trạng thiếu kinh phí, nhất là cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học, để chúng ta có thể nhanh chóng làm chủ công nghệ, luôn sẵn sàng ứng phó với những biến đổi bất thường của thời tiết. Chỉ khi đó, người nông dân mới thật sự yên tâm làm việc và Việt Nam mới bảo đảm được an ninh lương thực khi BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top