Xây dựng thương hiệu gạo “sạch” Điện Biên

00:00 - Thứ Sáu, 01/04/2016 Lượt xem: 2734 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, việc xây dựng thương hiệu gạo “sạch” đang được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Gần đây nhất, tháng 3/2016, trong các buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Điện Biên... đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng thương hiệu gạo “sạch” Điện Biên; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Nắm bắt được tình hình đó, vụ chiêm xuân năm 2016, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) thí điểm phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên (tức cấy hàng rộng, hàng hẹp), với mục đích giảm dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón... tăng năng suất, hướng tới tạo thương hiệu gạo “sạch” Điện Biên.

Về xã Thanh Yên, huyện Điện Biên một ngày cuối tháng 3, trên những cánh đồng đã phủ kín một màu xanh mơn mởn của lúa chiêm xuân. Xen kẽ các thửa ruộng cấy theo phương pháp truyền thống là những thửa ruộng thí điểm cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên đang vươn mình trong nắng mới. Theo lời của cán bộ Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương, cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên có nghĩa là cách cấy cứ 2 hàng sông hẹp cách nhau khoảng 15cm (khóm cách khóm 15cm) lại cấy 1 hàng sông rộng 30 - 40cm.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương về việc thí điểm sản xuất gạo “sạch” Điện Biên.

Trao đổi với “ông chủ” của những thửa ruộng thí điểm theo phương pháp hiệu ứng hàng biên - Hoàng Giang, Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên được biết: “Vốn dĩ chúng tôi thí điểm cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên này, do Điện Biên từ trước đến nay nổi tiếng bởi hạt gạo, thế nhưng thực tế chất lượng gạo “sạch” thì chưa xứng tầm. Vì vậy, vụ chiêm xuân năm 2016, Công ty đã thí điểm 4ha lúa cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại xã Thanh Yên. Sau vụ này, chúng tôi sẽ phối hợp với huyện, xã để nhân rộng mô hình. Mục đích của tôi là hướng tới sản phẩm gạo “sạch”, trước hết là tạo ra sản phẩm cho gia đình và người tiêu dùng sử dụng”. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Hoàng Giang đang “vào cầu” thì bị gián đoạn bởi cán bộ xã, người dân tới tham quan, học hỏi mô hình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp nhưng điều đó lại giúp chúng tôi vỡ vạc ra nhiều điều. Theo ông Giang, phương pháp cấy ứng dụng hiệu ứng hàng biên mỗi cá thể và quần thể lúa gieo cấy sẽ được phát huy hết tiềm năng, năng suất. Phương pháp này với sức đẻ bông tối ưu trên một khóm, không chỉ giảm tới 70% lượng giống sử dụng mà còn giảm được công làm mạ, nhổ mạ, công cấy, gặt từ 50 - 70%, chi phí phân bón giảm 30%, thuốc BVTV giảm 100%, thuốc sâu giảm 50%, năng suất ước khoảng 65 - 70 tạ/ha, tăng ít nhất từ 10% sản lượng trở lên so với phương pháp cấy truyền thống, và quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm gạo “sạch”, hạn chế tối đa được dư lượng thuốc trừ sâu.

Cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, thì những khóm lúa ở đầu bờ, luống được gọi là hàng biên, vì vậy những cây này thường nhiều hạt, bông to, tỷ lệ hạt chắc hơn hẳn các cây bên trong, đồng thời chúng ít khi nhiễm các loại sâu bệnh hơn. Theo ông Giang: Các giống lúa lai cũng như giống lúa thuần đều có sức tạo bông trung bình từ 15 - 18 bông/cây mạ, nhưng cấy 25 - 30 khóm trong 1m2 thì 1 cây mạ chỉ cho từ 2 - 4 bông lúa, còn gieo sạ chỉ cho từ 1 - 3 bông. Trước thực tế trên, ông cho rằng, những phương pháp cấy lúa truyền thống đang chống lại quy luật đẻ nhánh và gây ra sự ức chế quang hợp của mọi giống lúa, dẫn tới kiềm chế năng suất. Mọi khóm lúa của bất kể giống lúa nào cũng có hiệu ứng hàng biên chứ không riêng các khóm ngoài hàng biên mới có. Vì vậy, để có hiệu ứng hàng biên, lúa phải cấy rất thưa theo hàng kép, đảm bảo kỹ thuật cấy theo hàng sông lớn, nhỏ và khoảng cách khóm. Theo đó, hàng sông lớn có tác dụng làm xuất hiện hiệu ứng hàng biên tối ưu cho mọi khóm lúa, còn hàng sông nhỏ có tác dụng làm xuất hiện quy luật sức tạo bông tối ưu trên một khóm. Khi các khóm lúa được gieo cấy thưa sẽ tận dụng được nhiều ánh sáng hơn. Bởi khi ánh sáng chiếu thẳng tán lá không che kín mặt đất nên ánh sáng vẫn lọt xuống thân lá tầng dưới. Còn khi ánh sáng chiếu xiên, ánh sáng mặt trời vẫn có thể chiếu vào thân lá dưới gốc. Chính nhờ điều này nên mỗi cá thể và quần thể có thể quang hợp tốt, tích lũy và chuyển vị các chất mạnh khác hẳn quần thể lúa cấy theo phương pháp truyền thống. Đây là cơ sở để giúp cây lúa tăng 25 - 30% số hạt chắc/bông lúa. Khi cấy theo phương pháp này, mỗi mét vuông chỉ cần từ 11 - 16 khóm và lượng giống sử dụng chỉ từ 3 - 5 lạng giống/sào 350m2. Như vậy, so với các phương pháp gieo cấy truyền thống thì phương pháp cấy mới này đã giảm số khóm trên một mét vuông so với phương pháp cũ từ 8 - 16 khóm một mét vuông. Cũng từ những ưu việt ấy, qua hạch toán kinh tế, cấy thưa sẽ giảm chi phí sản xuất từ 270 - 315 nghìn đồng/sào, tương đương từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha.

Công nhân Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương chăm sóc lúa cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại xã Thanh Yên.

Theo ông Giang, mặc dù phương pháp này mới đưa vào thí điểm nhưng đã có 14 hộ dân xã Thanh Yên đăng ký tham gia thí điểm cùng Công ty, với tổng diện tích 2ha. Là một trong những hộ đầu tiên của xã tham gia mô hình này, ông Nguyễn Văn Hiền, thôn C2, xã Thanh Yên, cho biết: “Vụ chiêm xuân 2016 này, được sự tư vấn, giới thiệu về phương pháp cấy lúa mới, năng suất tăng cao, giảm công chăm sóc, chi phí nên gia đình tôi áp dụng theo. Tôi thấy đây là phương pháp tốt, tốn rất ít mạ, mỗi sào chỉ cần 5 đến 6 lạng mạ từ đó giảm công cấy, công chăm sóc rất nhiều. Còn bà Nguyễn Thị Vân, thôn C2, xã Thanh Yên cho biết: “Gia đình tôi cấy 1,2 mẫu ruộng, trong đó có 2,5 sào cấy theo mô hình hàng rộng hàng hẹp. Chỉ trong nửa ngày, hai vợ chồng vừa nhổ mạ, vừa cấy là xong diện tích 2,5 sào. Những ruộng cấy theo phương pháp truyền thống, gia đình tôi phải mất ít nhất 1kg thóc giống/sào, nhưng cấy theo mô hình này chỉ mất 6 lạng thóc giống/sào, thuốc trừ sâu cũng phun nhiều hơn so với ruộng cấy thử nghiệm. Tuy chưa biết năng suất thế nào nhưng với kinh nghiệm nhiều năm làm nông nghiệp, tôi thấy cấy theo phương pháp này lúa đến thời điểm hiện tại tốt hơn, đẻ nhanh nhiều hơn”. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn thấy lo lắng, bởi cho rằng cấy như vậy sẽ tốn nhiều diện tích đất trong khi số cây lúa lại ít. Vì vậy, để người dân thấy được hiệu quả của phương pháp hiệu ứng hàng biên, biện pháp hữu hiệu nhất là mắt thấy tai nghe, thì thời gian tới công ty sẽ tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn ở các địa phương để khuyến khích nông dân nhân ra diện rộng và trước hết thì công ty phải làm cho họ thấy có hiệu quả.

Nhằm góp phần tạo dựng được thương hiệu gạo “sạch” Điện Biên, mới đây ngày 15/3/2016, tại buổi làm việc với Công ty BUHLER FARMILA Việt Nam (thuộc tập đoàn  BUHLER Thụy Sỹ) và Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Để chất lượng gạo Điện Biên thực sự có thương hiệu trên thị trường toàn quốc, tỉnh Điện Biên luôn ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng, sạch đến người tiêu dùng. Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên chủ động nghiên cứu địa điểm đặt nhà máy chế biến; liên kết với Công ty BUHLER triển khai dự án lắp đặt dây chuyền công nghệ chế biến gạo để trình các cấp thẩm quyền. Tỉnh sẽ hỗ trợ công ty về địa điểm đặt nhà máy chế biến, hỗ trợ tiền thuê đất… và tạo điều kiện thuận lợi để công ty hoạt động, phát triển, góp phần nâng cao, quảng bá thương hiệu gạo Điện Biên đến người tiêu dùng trên toàn quốc.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top