“Cát tặc” lộng hành, doanh nghiệp chính danh khốn đốn

00:00 - Thứ Tư, 20/04/2016 Lượt xem: 2848 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn huyện Điện Biên chỉ có 2 đơn vị được cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng là Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Nam Sơn và Công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc tại điểm mỏ thuộc đội 6, xã Pom Lót và đội 19, xã Noong Luống. Tuy vậy, hiện có hàng chục điểm khai thác cát không phép (gọi là cát lậu). Với mức đầu tư thấp hơn, lại trốn được các loại thuế, phí theo quy định của Nhà nước nên giá bán cát lậu luôn ở mức thấp nhất. Sự cạnh tranh không lành mạnh này khiến các doanh nghiệp chính danh được cấp phép khai thác cát trên địa bàn lâm vào tình cảnh khốn đốn do sản phẩm khó tiêu thụ...

Có mặt tại điểm khai thác cát tại đội 6, xã Pom Lót, huyện Điện Biên vào khoảng 14 giờ ngày 15/4, chúng tôi chứng kiến 1 bên là điểm khai thác của “cát tặc” đông đúc, tấp nập xe ô tô ra vào. Thậm chí, có những lúc ô tô xếp thành hàng dài chờ vào lấy cát; 1 bên là điểm khai thác của 2 đơn vị được cấp phép thì đìu hiu, vắng vẻ. Trên bãi cát của Công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc, công nhân vẫn cặm cụi làm việc nhưng cát thì chất thành đống lớn, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng khách hàng.

“Cát tặc” ngang nhiên hoạt động công khai tại điểm mỏ thuộc đội 6, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Ảnh: Mai Giáp

Chị Vũ Thúy Mùi, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chính thức được cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng vào đầu tháng 3/2016, sau gần 4 năm làm thủ tục. Đến nay, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, tình trạng của Công ty hết sức bi đát. Cát khai thác không bán được do phải “cõng” nhiều chi phí nên giá bán của Công ty luôn phải giữ ở mức cao hơn. Còn “cát tặc” thì ngang nhiên khai thác lậu với mức đầu tư rất thấp, lại trốn tránh nghĩa vụ đóng các loại thuế, phí với Nhà nước nên giá bán thấp, cát hút lên đến đâu bán đến đấy. Giá bán cát xúc của Công ty hiện nay là 140 nghìn đồng/m3, còn giá bán của “cát tặc” luôn thấp hơn từ 20 – 30 nghìn đồng/m3 để cạnh tranh. Tính đơn giản, nếu mua 3m3 cát, chủ xe đã tiết kiệm được 60 – 90 nghìn đồng/chuyến, trong khi giá chở ra công trình là như nhau. Vậy nên, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp chỉ bán được hơn 10 xe ô tô cát, mà hầu hết đều là xe loại nhỏ. Ngày nào bán được nhiều nhất cũng chỉ hơn 20 xe. Chủ xe đều là khách quen thân nên vẫn dành “ưu ái” nhất định cho Công ty, còn các chủ xe lạ thì chọn chỗ rẻ để mua, không quan tâm đến việc khai thác có đúng pháp luật hay không. Chị Mùi cũng cho biết thêm: Quá bức xúc trước sự lộng hành của “cát tặc” nên 2 doanh nghiệp đã làm đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Có phần bi đát hơn là điểm khai thác cát của Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Nam Sơn nằm cách đó không xa. Công nhân đã dừng việc khai thác do cát tồn quá nhiều. Tại bãi, chúng tôi chỉ gặp 1 quản lý và 1 công nhân lái máy xúc đang… ngồi hóng mát trong lán. Chị Nguyễn Thị Khanh, quản lý tại đây chia sẻ: Quy trình cấp giấy phép không đơn giản. Công ty tôi mất gần 2 năm mới được cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định của pháp luật. Được cấp phép khai thác cùng thời điểm với Công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc nhưng Công ty không có “mối” nên tình trạng tệ hơn rất nhiều. Có ngày bán được, có ngày không. Khách hàng hầu hết là chủ xe công nông, xe tải nhỏ do không đợi được bên cơ sở khai thác lậu nên mới rẽ vào đây. Cát không bán được nên để đảm bảo nộp đủ các loại thuế, phí... cũng rất khó khăn. Ngay đến lương công nhân, Công ty cũng chưa trả được hết. Lương công nhân lái máy xúc ở đây là 8 triệu đồng/người/tháng, nhưng mấy tháng nay mới chỉ được tạm ứng gần 3 triệu đồng tiền ăn và sinh hoạt phí. Tình trạng này cứ kéo dài, khéo phải dừng hẳn việc khai thác...

Trước sự lộng hành của “cát tặc”, chúng tôi tìm đến cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quản lý tại đây - UBND xã Pom Lót. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Pom Lót, Nguyễn Văn Đẩu, tỏ ra khá bất ngờ về việc “cát tặc” vẫn  tiếp tục hoạt động. Điều này khá khó hiểu bởi bãi khai thác cát của đội 6 nằm cách trụ sở UBND xã chưa đầy 2km; thậm chí, lối vào bãi khai thác chỉ cách cổng trụ sở không quá 50m? Khi chúng tôi nói rằng có ghi lại được hình ảnh “cát tặc” đang ngang nhiên hoạt động, đồng chí Chủ tịch UBND xã mới phân trần: “Trước đây đúng là có một điểm khai thác trái phép nhưng đã bị chính quyền xã xử lý và yêu cầu cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp pháp mới cho tiếp tục hoạt động. Còn điểm khai thác này chắc mới chỉ hoạt động một vài ngày trở lại đây. Ngay trong chiều nay, đích thân tôi sẽ cùng với cán bộ địa chính xã trực tiếp xuống kiểm tra và xử lý vi phạm”. Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi với đồng chí chủ tịch UBND xã: Liệu khi đoàn cán bộ rút về, bao lâu nữa “cát tặc” hoạt động trở lại? Thoáng chút ngập ngừng, ông Đẩu trả lời: “Điều này... chưa thể biết được; trước mắt cứ xử phạt hành chính đã, sau đó sẽ yêu cầu dừng hoạt động khai thác của cơ sở trái phép...”.

Có lẽ, chính vì xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương là một trong những nguyên nhân khiến “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động. Không chỉ ăn cắp tài nguyên thiên nhiên, không phải thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, chi phí đầu tư thấp... các cơ sở khai thác cát trái phép đã và đang đẩy các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động – những cơ sở chính danh vào nguy cơ thua lỗ bởi một cuộc canh tranh không công bằng... Và chúng tôi cũng đang tự hỏi: Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng, liệu rằng có còn doanh nghiệp nào chịu đầu tư kinh phí, thời gian... để xin giấy phép khai thác cát nữa hay không?

Sơn Nam
Bình luận
Back To Top