Đồng vốn nghĩa tình

00:00 - Thứ Sáu, 29/04/2016 Lượt xem: 2191 In bài viết
ĐBP - Với người dân nghèo, cận nghèo và các hộ gia đình chính sách thì đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội là một nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.

Với vốn ưu đãi của Ngân hàng CS-XH đã giúp gia đình chị Bùi Thị Liên, bản Mường Nhé, xã Mường nhé vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm: Nơi nào còn khó khăn, nơi đó có Ngân hàng Chính sách - Xã hội, nhiều năm qua, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng đã lan tỏa khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thiết thực vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững cũng như bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, nhờ có tín dụng chính sách, các đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và không ít hộ đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Để người nghèo dễ tiếp cận nguồn vốn này, Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh về lãi suất cũng như đa dạng hóa hình thức cho vay. Cụ thể mức cho vay tối đa với hộ nghèo, hộ cận nghèo từ ngày từ ngày 1/5/2014 đến nay là 50 triệu đồng/hộ với mức lãi suất cho vay hộ nghèo 0,6%/tháng, hộ cận nghèo 0,72%/tháng. Thời hạn cho vay ngắn hạn tối đa 12 tháng, trung hạn tối đa 60 tháng.

Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo thông qua công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, các chương trình tín dụng được triển khai, phổ biến đến cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và các đối tượng được thụ hưởng. Chung Chải là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ở huyện Mường Nhé, với 61,21%. Nhiều năm nay, đều đặn 2 lần/tháng, các cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện không quản ngại nắng mưa, ngày nghỉ, mang tiền đến để đồng bào nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xóa nghèo, vươn lên có của ăn của để… Anh Giàng A Sình, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: “Cứ mỗi tháng 2 lần vào thứ 7, chủ nhật, cán bộ phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách – Xã hội của huyện lại đến tư vấn, hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn, thu hồi nợ động, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả nhất. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có hơn 200 lượt hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn xã được ưu tiên vay vốn với tổng số tiền lên đến gần 8 tỷ đồng.  Anh Vàng A Sa, bản Nậm Sin, hồ hởi cho biết: cách đây 3 năm, gia đình anh còn nghèo lắm, nhưng may mắn được Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho vay vốn lần đầu là 5 triệu đồng để mua bò về nuôi. Dần qua các năm, anh Sa tiếp tục vay đầu tư phát triển chăn nuôi bò, đến nay đàn bò đã tăng lên 11 con. Ngoài ra vợ chồng anh còn tích cực cải tạo đồng ruộng, mở thêm diện tích sản xuất lúa, ngô, do đó gia đình không những thoát nghèo mà đã có của ăn của để. Anh mong muốn có nhiều nguồn vốn tín dụng khác như tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách - Xã hội về với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nằm ngay giữa trung Ngã Ba Vang Hồ, xã Chung Chải, là căn nhà của anh Mùa Chá Hụ những ngày này như ấm cúng hơn. Nhiều lúc vợ chồng anh chị cũng muốn mở mang phát triển kinh tế nhưng lại bí vốn. May mắn, thông qua Tổ giao dịch lưu động (Phòng giao dịch, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Mường Nhé), gia đình anh Hụ đã được hỗ trợ cho vay vốn để phát triển kinh tế theo diện hộ nghèo. Qua mấy đợt vay, với số vốn vài chục triệu đồng, anh đầu tư chăn nuôi lợn, gà, vịt... thời gian rảnh rỗi làm nghề phụ. Nhờ chăm chỉ làm ăn và được sự chia sẻ, giúp đỡ của các đoàn thể địa phương, họ hàng, bà con lối xóm, cuối năm 2014, gia đình anh đã thoát nghèo. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Minh, cán bộ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: “Chúng tôi phải rà soát từng người, từng nhà, bình xét công khai ở thôn, tổ để chọn đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong quá trình sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả nhất. Trong đó, tổ chức hội thường xuyên lồng ghép với các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân có thêm kinh nghiệm áp dụng vào thực tế sản xuất để đồng vốn phát huy hiệu quả”.

Theo đánh giá của các địa phương, tín dụng chính sách được xem là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo căn cơ và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội hiệu quả. Nhờ nguồn vốn vay này mà hàng nghìn hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Báo cáo của Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh cho thấy, năm 2015, đơn vị đã huy động được 1.877.682 triệu đồng để cho vay vốn. Nhờ đó, đã có trên 22.310 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay trên 624.082 triệu đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm cho 1.400 lao động, trong đó có 46 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Tín dụng, Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh, hiện hệ thống có 130 điểm giao dịch lưu động tạo thuận lợi cho người nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn vay, để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc thực hiện các điểm giao dịch lưu động này cũng giúp cấp ủy, chính quyền địa phương gần dân, sát dân để nắm bắt kịp thời các tâm tư, nguyện vọng và có cách giúp đỡ nhanh nhất. Ngược lại người dân có thể đóng góp ý kiến giúp việc thực thi chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng hiệu quả hơn.

Theo kế hoạch, với tổng nguồn vốn năm 2016 của Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh lên đến 1.974.408 triệu đồng, tăng 5,1% so với năm 2015, thì đây sẽ là “đòn bẩy” để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top