Cho những tuyến đường thông suốt

10:15 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 2559 In bài viết
ĐBP - Trên địa bàn tỉnh, hiện có 6 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 620,9km và 4 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 50,6km. Mặc dù các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, nhưng việc bảo trì, bảo dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, trong khi lưu lượng phương tiện vận tải ngày càng gia tăng nên nhiều tuyến đường dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, chất lượng các tuyến tỉnh lộ còn nhiều hạn chế như: Mặt đường nhỏ hẹp, địa hình hiểm trở, thường xuyên xảy ra sạt lở taluy vào mỗi mùa mưa bão. Đồng thời, do cấu tạo địa chất, khả năng kết dính không cao nên khi có mưa lớn kéo dài thì các tuyến đường đều dễ xảy ra sạt lở với khối lượng đất lớn gây nguy hiểm, cản trở lưu thông.
 
Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II, hót sạt trên tuyến quốc lộ 12, km273 + 550 đoạn qua ngã ba Trại Bò - Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông.

Còn nhớ, mùa mưa bão năm 2015, do mưa lớn kéo dài nên hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều ít nhiều bị sạt lở, hỏng nền mặt đường và rãnh thoát nước dọc trên một số tuyến, đặc biệt là quốc lộ 12, quốc lộ 6, đoạn từ huyện Tuần Giáo - thị xã Mường Lay... nhiều điểm sạt lở lớn, gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày. Để bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão, từ trước mùa mưa Sở GT-VT đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thành viên. Sở cũng thành lập đoàn kiểm tra, rà soát từng tuyến đường và công tác chuẩn bị vật tư dự phòng, thiết bị khắc phục sự cố, phương án phân luồng, bảo đảm giao thông khi có tình huống xấu xảy ra; chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra hệ thống các công trình giao thông, kịp thời gia cố những hư hỏng trước mùa mưa bão; nạo vét cống, rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy, kiểm tra hành lang an toàn giao thông đường bộ; bố trí dự phòng các biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn phân luồng. Đến thời điểm hiện tại, Sở GT-VT đã hoàn thành rà soát xác định những khu vực, vị trí xung yếu có nguy cơ ách tắc giao thông. Trên các tuyến quốc lộ có nguy cơ sạt lở cao tại một số điểm như: từ Km114 - Km115, quốc lộ 12, đoạn qua địa phận xã Huổi Lèng (Mường Chà); tuyến quốc lộ 12 đoạn qua ngã ba Trại Bò - Chiềng Sơ (Điện Biên Đông); tuyến quốc lộ 4H (Mường Chà - Mường Nhé). Đối với một số tuyến tỉnh lộ có nguy cơ sạt lở cao, như: Km0+500, Km1+050 tuyến tỉnh lộ Huổi Loóng - Tủa Chùa; Km3+750, Km7+100, Km8+800 tuyến đường Mường Lay - Nậm Nhùn...

Xác định rõ những vị trí thường xuyên có nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở trên các tuyến đường, ngay đầu mùa mưa năm nay, công tác kiểm tra trên các tuyến đường được các đơn vị chức năng của ngành thực hiện thường xuyên, liên tục. Các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn. Đối với các dự án đang trong quá trình triển khai, Sở GT-VT chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, thi công nền dứt điểm từng đoạn, triển khai rải lớp móng, mặt đường, như tuyến quốc lộ 4H - Nà Hỳ (Nậm Pồ); chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn tuyến thi công, kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi lũ, lụt xảy ra. Dự báo tình hình năm nay trên địa bàn tỉnh số ngày và lượng mưa sẽ lớn hơn năm 2015, trên một số sông có thể xuất hiện đỉnh lũ vượt mức báo động 3, tình hình lũ quét, sạt lở đất có khả năng xuất hiện nhiều hơn và nguy cơ gây sạt sụt, ách tắc giao thông, phá hoại kết cầu hạ tầng công trình giao thông rất cao. Chính vì vậy, nhiều vị trí trên các tuyến đường bị sạt lở trong các đợt mưa to kéo dài từ đầu tháng 4 đến giờ đã được các đơn vị chức năng kịp thời khắc phục. Gần đây nhất, ngày 5/6 vừa qua, trên quốc lộ 12, tại Km 174 - Km880 đoạn qua xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông), đã bị mưa lũ xói lở mất một phần đường. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành giao thông đã chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu khắc phục, sửa chữa đảm bảo thông tuyến.

Vật tư, thiết bị, nhân lực cho công tác phòng chống bão lũ và đảm bảo giao thông cũng được lên phương án dự phòng bố trí tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Hiện ngành giao thông đã dự phòng 25.000 lít xăng, dầu; 1.700 rọ thép; 2.500m3 đá hộc; máy xúc, máy ủi và phân bổ tới các khu vực có nguy cơ sạt lở. Các đơn vị thi công đều có đội xung kích, thường trực, sẵn sàng khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, Sở GT-VT đã xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố tắc đường, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng và đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn. Tất cả các đơn vị trong ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, gồm: chỉ huy; lực lượng; vật tư, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần tại chỗ để sẵn sàng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thông suốt các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão, không chỉ đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia lưu thông mà có ý nghĩa hết sức quan trọng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xẩy ra sự cố. Ông Đỗ Văn Chung, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Ngành đã phân tích, đánh giá tình hình, dự báo các tình huống có thể xảy ra để xây dựng phương án chuẩn bị đối phó khả thi. Rút kinh nghiệm những mùa mưa bão trước, năm nay ngành chú trọng điều tiết cục bộ, cảnh báo nguy hiểm tại các công trình đang thi công; kiểm soát an toàn các công trình trong mùa mưa bão cũng như xây dựng phương án huy động phương tiện cứu hộ các công trình trọng điểm, di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Khi xảy ra sạt lở, ách tắc yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố để thông xe trong thời gian sớm nhất, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top