Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” ở Mường Nhé:

Cần nâng cao ý thức người dân

09:40 - Thứ Năm, 29/09/2016 Lượt xem: 3225 In bài viết
ĐBP - Với mục đích giúp người dân nghèo biên giới vươn lên thoát nghèo, từ tháng 10/2014 đến tháng 8/2015, Chương trình “Chung tay vì cộng đồng và bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tặng 360 con bò giống cho người nghèo tại 11 xã trên địa bàn huyện Mường Nhé. Gần 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi vì ý thức chăm sóc, bảo vệ “chiếc cần câu” này của một số hộ dân địa phương còn hạn chế.

Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, tính đến ngày 31/7/2016, toàn huyện có 74/360 con bò giống được trao tặng đã bị chết, mất hay chuyển đổi mục đích sang nuôi con vật khác. Qua tìm hiểu, được biết xã Nậm Kè là địa phương có số bò giống đã chết, mất hay bán chuyển đổi sang nuôi con vật khác nhiều nhất huyện. Chúng tôi đã đến bản Huổi Hẹt (xã Nậm Kè) để tìm hiểu sự việc. Anh Lý A Phử, Phó trưởng bản Huổi Hẹt, cho biết: Thực hiện Chương trình “Chung tay vì cộng đồng và bò giống giúp người nghèo biên giới”, bản Huổi Hẹt được trao tặng 3 con bò sinh sản cho các hộ gia đình: Giàng A Ly, Giàng A Hồng và Lù A Khoa. Nhưng đến nay, cả 3 hộ này đều đã bán bò để chuyển đổi sang nuôi trâu, vì họ cho rằng trâu có thể cày kéo và hữu ích trong sản xuất nông nghiệp, còn bò thì sức kéo và cày bừa kém hơn. Mặt khác, do tất cả các hộ gia đình trong bản đều chăn nuôi trâu; duy chỉ có 3 hộ nuôi bò nên rất khó khăn cho việc chăn thả thành đàn tập trung. Vì những nguyên nhân đó mà họ đã bán bò để chuyển sang nuôi trâu.

 

Sau khi bán bò giống để chuyển đổi sang nuôi trâu, chuồng bò của gia đình bà Giàng Thị Khoa bị bỏ không.

Bà Giàng Thị Khoa (mẹ anh Lù A Khoa) phân trần: “Cùng với 2 hộ gia đình khác trong bản, năm 2014, Chương trình “Chung tay vì cộng đồng và bò giống giúp người nghèo biên giới” trao tặng 1 con bò giống, gia đình biết ơn lắm. Nhưng sau khi chăn thả được 4 – 5 tháng thì bò ốm yếu nên gia đình phải bán đi để mua trâu về nuôi vì con trâu vừa cày nương được lại dễ chăn thả. Dù biết làm như vậy là không đúng với quy định nhưng để phù hợp với điều kiện sản xuất, phát triển chăn nuôi nên gia đình đành phải bán bò để chuyển sang nuôi trâu”.

Cũng là xã được thụ hưởng chương trình, xã Chung Chải được nhận 40 con bò giống, trong đó bản Xi Ma 1 được tặng 2 con. Khác với gia đình bà Khoa, gia đình anh Pờ Gió Sáng, bản Xi Ma 1 (xã Chung Chải) thì lại bán bò giống của chương trình trao tặng vì hoàn cảnh khó khăn. Khi phát hiện sự việc, đại diện bản đã đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân thì anh Sáng lý giải rằng, do gia đình có 4 con nhỏ, ruộng nương không có, hoàn cảnh rất khó khăn nên đành phải bán bò mới có tiền nuôi con và trang trải cuộc sống. Bản đã báo cáo sự việc lên UBND xã để xác minh và lập biên bản.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Thùy Giang, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, cho biết: Chương trình “Chung tay vì cộng đồng và bò giống giúp người nghèo biên giới” là một trong những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững bằng cách tặng mỗi hộ gia đình 1 con bò giống để chăm sóc. Qua đó, chương trình sẽ tiếp thêm động lực, khuyến khích các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo gắn với mục tiêu giữ đất, giữ nước, giữ biên giới. Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo khách quan, UBND huyện đã chú trọng đến công tác rà soát, lập danh sách các hộ thụ hưởng. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tài trợ, đơn vị cung ứng và các địa phương, các hộ dân triển khai thực hiện việc tiếp nhận và trao nhận bò đảm bảo các yêu cầu. Trên địa bàn huyện Mường Nhé, chương trình được chia thành 3 đợt. Đợt 1, tiến hành trao tặng 60 con bò giống cho hộ nghèo thuộc 3 xã: Nậm Kè, Chung Chải và xã Mường Nhé vào tháng 10/2014. Đợt 2, diễn ra vào tháng 5/2015 và đã trao tặng 160 con bò cho người dân thuộc 8 xã: Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu, Nậm Vì, Mường Toong, Huổi Lếch, Pá Mỳ và Quảng Lâm. Đợt thứ 3 là vào tháng 8/2015, chương trình đã trao tặng 140 con bò cho hộ nghèo 6 xã: Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu, Nậm Kè, Chung Chải, Mường Nhé. Ngoài ra, các gia đình còn được hướng dẫn sơ bộ kỹ thuật nuôi bò.

Để phát huy hiệu quả của chương trình, các cơ quan chức năng huyện và chính quyền các xã đã tăng cường giám sát, giúp các hộ gia đình thực hiện đầy đủ các quy định của chương trình. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn người dân cách thức chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc, tư vấn cách làm chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ cho bò sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, do tập quán chăn thả rông gia súc của bà con cùng với kinh nghiệm chăn nuôi hạn chế, điều kiện chuồng trại và thức ăn không đảm bảo... nên khi gặp thời tiết bất lợi: rét đậm, rét hại, mưa lũ rất dễ khiến bò mắc bệnh và chết. Không những vậy, một số gia đình được cấp bò giống không thực hiện đúng cam kết đã bán bò để sử dụng vào mục đích khác; ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình; dần mất đi niềm tin của các nhà hảo tâm và còn ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Vì việc trao tặng bò giống cho các hộ nghèo chính là giúp họ về vốn để phát triển sản xuất, nhưng để chương trình đạt được hiệu quả cao thì đòi hỏi người dân phải chú trọng đến công tác chăm sóc, phòng, chống bệnh dịch và nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản được hỗ trợ.

Trước tình hình đó, thời gian tới, UBND huyện sẽ giao cho chính quyền các xã và Ban điều hành chương trình ở cấp xã tiếp tục thông tin trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng bò đối với các hộ nghèo. Tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân khiến số lượng bò được hỗ trợ giảm để có biện pháp khắc phục nhằm thực hiện đúng cam kết chăn nuôi bò sinh sản có hiệu quả kinh tế. Qua đó, từng bước giúp người dân khu vực biên giới giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, tạo cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top