Nông dân Mường Ảng sản xuất trên diện tích mới khai hoang

09:15 - Thứ Tư, 12/10/2016 Lượt xem: 5663 In bài viết
ĐBP - Nhằm nâng cao sản lượng lương thực, những năm qua từ nguồn vốn Nghị quyết 30a, Chương trình 135... huyện Mường Ảng đã tích cực vận động nhân dân khai hoang ruộng nước. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã khai hoang được trên 9ha, tập trung tại các xã: Mường Đăng, Ẳng Tở, Nặm Lịch, Ẳng Cang... nâng tổng diện tích đất trồng lúa nước toàn huyện lên trên 1.363ha.

Hiện nay, một số thửa ruộng tại xã Ẳng Cang gieo sớm bà con đã tiến hành thu hoạch. Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cho biết: Ẳng Cang có 270ha sản xuất lúa nước trong đó 1,6ha ruộng bậc thang mới khai hoang. Những diện tích mới khai hoang trước đây nông dân trồng lúa nương năng suất thấp, mỗi vụ thu hoạch từ 12 - 13 tạ/ha. Từ năm 2014 đến nay, được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ khai hoang, giống lúa thuần, nông dân đã từng bước chuyển đổi sang trồng lúa nước, năng suất đạt gần 50 tạ/ha; cao hơn 3 - 4 so với sản xuất lúa nương. Từ kết quả đó, người dân tích cực sản xuất trên diện tích khai hoang, sản xuất một vụ lúa, một vụ trồng đậu tương, lạc. Năm 2016, xã Nặm Lịch đăng ký 4,3ha đất khai hoang mới chuyển đổi sang trồng lúa nước, nâng tổng số diện tích khai hoang đưa vào sản xuất của xã lên gần 6ha.

 

Nông dân xã Nặm Lịch sản xuất lúa nước trên diện tích khai hoang.

Theo ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng: Trước đây, người dân vùng cao chỉ quen canh tác lúa nương. Những năm gần đây, với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn huyện và chính quyền cơ sở tích cực vận động nên bà con chuyển đổi hình thức canh tác từ lúa nương sang lúa ruộng. Tổ chức mô hình sản xuất thí điểm lúa nước để người dân thấy được hiệu quả khi chuyển đổi hình thức canh tác. Cùng với đó, để người dân nắm bắt được quy trình, kỹ thuật chăm sóc lúa nước, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã phối hợp tổ chức hàng chục buổi tập huấn quy trình kỹ thuật về chăm sóc cây lúa nước cho người dân trước mỗi vụ sản xuất. Qua đó, nông dân nắm được quy trình chăm sóc lúa, cũng như cách phòng trừ sâu bệnh. Khó khăn hiện nay là: do địa hình chủ yếu đồi núi chia cắt, hiểm trở gây khó khăn trong xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nên toàn huyện mới có 50% diện tích khai hoang có đủ nước vụ sản xuất 2 vụ lúa/năm; các diện tích còn lại người dân tự tìm cách làm đường ống dẫn nước. Trên những diện tích lúa một vụ, người dân đã chủ động gieo trồng các cây màu như: lạc, đỗ tương, ngô...

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top