Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ở Nậm Pồ

09:17 - Thứ Tư, 12/10/2016 Lượt xem: 4083 In bài viết
ĐBP - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ có 47 vụ phá rừng và xâm hại rừng, làm thiệt hại hơn 12ha, tăng nhiều lần so với các năm trước. Trước thực trạng đó, huyện Nậm Pồ đã tăng cường các biện pháp quyết liệt và hữu hiệu hơn nữa nhằm quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Trong đó ưu tiên khoanh nuôi tái sinh; dừng việc trồng rừng tốn kém nhưng hiệu quả thấp, để dành kinh phí cho công tác bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh.

Nậm Pồ hiện có gần 59 nghìn héc ta rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 39%. Là địa bàn vùng xa, vùng biên giới, Nậm Pồ có địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhưng diện tích rừng cần quản lý và bảo vệ rộng. Đời sống của người dân trên địa bàn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn. Xác định giữ rừng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên nên dù mới thành lập, nhưng Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản về quản lý, bảo vệ rừng, cấm khai thác và thu mua lâm sản trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện; tiếp tục thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a. Lực lượng Kiểm lâm huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác mua bán lâm sản trái phép; phối hợp chặt chẽ với ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các xã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng trong mùa khô hanh. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện luôn đề cao vai trò của lực lượng kiểm lâm địa bàn, bởi đây là lực lượng luôn bám sát cơ sở, địa bàn, là nòng cốt trong ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến người dân; tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ trong những tháng mùa khô hanh. Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hạt Kiểm lâm huyện, đều cùng chung nhận định: Với huyện Nậm Pồ thì không nên trồng rừng, vì rất tốn kém mà không hiệu quả. Để phát triển vốn rừng, nên tập trung vào việc khoanh nuôi tái sinh; kinh phí trồng rừng nên chuyển sang dùng cho công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng thì sẽ hợp lý, phù hợp thực tế mà hiệu quả cao hơn. Bởi khoanh nuôi tái sinh hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng rừng mới. Trên thực tế, rừng trồng tại Nậm Pồ không đem lại hiệu quả, diện tích rừng trồng hầu như không còn. Năm 2015, huyện trồng gần 29ha rừng, chủ yếu tại xã Phìn Hồ, nhưng đến nay, có đến hơn 22ha phải trồng lại hoàn toàn vì 100% cây rừng trồng bị chết, hoặc bị trâu, bò phá hoại ngay sau khi trồng vài tuần.

Thực hiện Kế hoạch 388/KH-UBND của UBND tỉnh về việc rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cộng đồng thôn, bản, đến nay, huyện cơ bản hoàn thành việc giao đất giao rừng. Theo phương án và kế hoạch của UBND huyện Nậm Pồ, diện tích rừng giao cho các chủ rừng tại 15/15 xã là gần 53 nghìn héc ta, đến nay đã giao cho gần 130 chủ rừng. Cùng với việc giao đất giao rừng, UBND huyện đã cấp 180 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng. Việc giao đất, giao rừng là căn cứ, cơ sở để các chủ rừng được nhận tiền từ chính sách dịch vụ môi trường rừng. Đầu năm 2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả đợt đầu tiên tiền dịch vụ môi trường rừng cho hơn 20 cộng đồng thôn, bản trên địa bàn 3 xã: Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Hỳ; tổng diện tích được chi trả là trên 5.800ha với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả hết số tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2015 cho huyện Nậm Pồ, với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng. Từ việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân tăng thu nhập từ rừng và tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ rừng.

Thực tế, nhiệm vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Nậm Pồ không hề đơn giản, bên cạnh các biện pháp hành chính nhằm xử lý, răn đe các đối tượng xâm hại, chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái phép, thì việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng cũng được chính quyền các cấp và lực lượng chức năng huyện Nậm Pồ chú trọng.

Kông Thao
Bình luận
Back To Top