Tổ tiết kiệm và vay vốn

“Cầu nối” giữa ngân hàng với người dân

09:05 - Thứ Tư, 15/02/2017 Lượt xem: 4960 In bài viết
ĐBP - Với vai trò là “cầu nối” giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) với người dân trong tuyên truyền chính sách, giải ngân và quản lý vốn vay, những năm qua hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) huyện Mường Nhé không chỉ là kênh dẫn vốn xuống cơ sở, giúp các đối tượng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách trực tiếp, tiện lợi, mà còn giúp họ sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn tín dụng chính sách của Nhà nước trên địa bàn huyện.

Đồng hành giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững từ việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả - là tiêu chí hoạt động của tổ TK&VV bản Phiêng Khăm, xã Mường Nhé. Ngoài nhiệm vụ được Ngân hàng CSXH Mường Nhé ủy thác như bình xét hồ sơ, giải ngân nguồn vốn và thu tiền gốc, tiền lãi hàng tháng, Tổ TK&VV bản Phiêng Khăm còn là nơi các thành viên chia sẻ thắc mắc, khó khăn trong quá trình vay vốn. Những tâm tư, nguyện vọng của các thành viên đều được tổ ghi nhận rồi phối hợp với ngân hàng tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Ông Tống Danh Ba, tổ viên Tổ TK&VV bản Phiêng Khăm, chia sẻ: Từ khi tham gia sinh hoạt tổ TK&VV tôi thấy hội viên có nhiều cái lợi như được phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, được hướng dẫn sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Thông qua kênh Hội Cựu chiến binh xã, năm 2012 tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé để đầu tư chăn nuôi dê sinh sản. Sau khi vay vốn, tôi được cán bộ Ngân hàng, cán bộ Hội Cựu chiến binh cũng như các thành viên trong tổ vay vốn hướng dẫn, động viên trong quá trình chăn nuôi. Từ 7 con dê giống, đến nay đàn dê đã phát triển lên hơn 40 con; thu nhập trung bình mỗi năm trên 50 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Ba, các tổ viên trong Tổ TK&VV bản Phiêng Khăm đều được tuyên truyền đầy đủ về các chương trình tín dụng ưu đãi, được hướng dẫn vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả. Tổ TK&VV bản Phiêng Khăm hiện có gần 40 tổ viên với dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện trên 1 tỷ đồng, các hộ dân được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa bàn.

 

Thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều nông dân xã Mường Nhé vay vốn phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Ảnh: Huyền Lâm

Cũng là một trong những tổ TK&VV hoạt động có hiệu quả trong những năm qua là Tổ TK&VV bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè. Hiện tại, Tổ có trên 50 thành viên với tổng dư nợ gần 2 tỷ đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý nguồn vốn, Tổ trưởng Lò Văn Dương cho biết: Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Tổ thông báo tới hội viên số tiền có thể cho vay từng đợt; nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ, lãi đúng hạn, đồng thời phổ biến những chính sách mới của Ngân hàng CSXH. Tham gia sinh hoạt tại Tổ, các thành viên không những được phổ biến kiến thức xã hội mà còn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn tổ chức họp bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng, hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định.

Hiện nay, toàn huyện Mường Nhé có 156 tổ TK&VV với tổng dư nợ trên 183 tỷ đồng. Hàng tháng thông qua thực hiện chấm điểm, đánh giá chất lượng hoạt động ủy nhiệm của tổ TK&VV trên cơ sở kết quả thực hiện các nghiệp vụ ủy nhiệm đã giúp Ngân hàng CSXH Mường Nhé kiểm soát tốt hoạt động của tổ TK&VV; kịp thời phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện biện pháp củng cố, kiện toàn những tổ yếu kém, trung bình. Ông Nguyễn Phú Khiêm, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ TK&VV trên địa bàn huyện, Ngân hàng và các hội, đoàn thể thường xuyên cử cán bộ tham gia sinh hoạt cùng tổ TK&VV để tuyên truyền, phổ biến, giải đáp thắc mắc của người dân giúp cho các tổ vay vốn nắm vững đươc các chủ trương, chế độ, chính sách… Từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng được nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo thực hiện đúng quy định và nâng cao vai trò giám sát của người dân. Theo đánh giá chất lượng các tổ TK&VV, hiện toàn huyện có 30% tổ tốt, 50% tổ khá, còn lại là tổ trung bình, không có tổ yếu kém;  tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ thông qua các tổ TK&VV. Thời gian tới, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động của các tổ TK&VV, đơn vị tiếp tục phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát, sáp nhập các tổ có ít thành viên; bổ sung nguồn vốn cho các tổ hoạt động tốt, từ đó nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV trên địa bàn huyện.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top