Vững vàng trên con đường tiên phong

09:14 - Thứ Năm, 02/03/2017 Lượt xem: 6874 In bài viết
ĐBP - Xã hội ngày càng có nhiều phụ nữ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tạo đột phá trong phát triển kinh tế khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình cũng như cộng đồng xã hội. Trên địa bàn tỉnh ta cũng có không ít tấm gương như thế. Có chị đi lên từ ruộng vườn, cây cối, người thì phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, những lĩnh vực ấy tuy không mới lạ nhưng với tư duy mới, cách làm hay và gửi gắm cả tâm huyết, tình yêu vào đó, các chị đã tạo ra những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, có chất lượng và sức hút trên thị trường.

Vương Thị Minh Nguyệt đưa bánh khẩu xén đi xa

Là người dân tộc Thái trắng, từ nhỏ chị Vương Thị Minh Nguyệt (đội 5, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) đã thân thuộc với hương thơm bùi của những chiếc bánh khẩu xén. Qua nhiều đoàn khách của gia đình ở xa lên chơi không biết mua gì về làm quà, chị Nguyệt đã nảy ra ý tưởng phát triển bánh khẩu xén thành sản phẩm quà tặng du lịch là sản vật đặc trưng của địa phương vừa túi tiền du khách và tiện lợi, dễ vận chuyển với ước mong góp phần bảo tồn văn hóa ẩm thực dân tộc Thái. Chị chia sẻ ý tưởng và rủ một số chị em khác cùng góp vốn thực hiện. Từ đó thương hiệu Bánh Khẩu xén Hoa ban (hay còn gọi Bánh Khẩu xén Hoàng Vy) làm hoàn toàn từ nếp nương Điện Biên nổi tiếng ra đời vào cuối năm 2015. Các chị mạnh dạn đầu tư mua máy móc cán, cắt bánh chứ không làm thủ công nhưng vẫn đảm bảo độ giòn thơm truyền thống. Để làm đẹp cho sản phẩm, bắt mắt du khách, chị Nguyệt còn tạo hình bánh thành bông hoa ban 5 cánh với nhiều màu sắc khác nhau được lấy từ các loại lá cây, quả tự nhiên và tự thiết kế mẫu mã hộp đựng sản phẩm.

Sản phẩm đã có, khó khăn mới bắt đầu. Chị Vương Thị Minh Nguyệt kể lại: “Để tìm đầu ra cho sản phẩm, tôi cùng các chị em trong nhóm chia nhau mang Bánh Khẩu xén Hoa ban đi giới thiệu ở các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố và huyện Điện Biên. Ban đầu cũng còn lạ nhưng do mẫu mã bắt mắt, lại là đặc sản địa phương nên nhiều đơn vị đồng ý bày bán sản phẩm”. Các chị còn lập website và bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Bằng những nỗ lực ấy, Bánh Khẩu xén Hoa ban đã được nhiều người đón nhận. Thương hiệu khẩu xén càng được biết tới nhiều hơn trong dịp Lễ hội Hoa ban năm 2016 khi các chị mạnh dạn thuê gian hàng trưng bày, bán sản phẩm tại Quảng trường 7/5. Đến tháng 5/2016, các chị thành lập Hợp tác xã Sản xuất bánh đặc sản dân tộc Thái với 7 thành viên do chị Nguyệt là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đến nay, Bánh Khẩu xén Hoa ban đã được xuất đi nhiều tỉnh thành trong nước, Hợp tác xã nhận được nhiều đơn đặt hàng thường xuyên, tạo thu nhập ổn định cho chị em thành viên.

Hoàng Thị Hiên tiên phong trong lĩnh vực nông sản sạch

Cũng giống như chị Nguyệt, chị Hoàng Thị Hiên lựa chọn sản xuất sản phẩm sạch, xuất xứ địa phương làm hướng đi riêng cho mình. Mạnh dạn từ bỏ công việc kế toán doanh nghiệp với mức lương nhiều người mơ ước, chị Hiên về mở nông trại trồng rau sạch tại đội 5, xã Thanh An, huyện Điện Biên. Chị Hiên tự nhận xét về mình bằng từ “liều” khi cầm sổ đỏ gia đình đi vay ngân hàng nửa tỷ đồng mua 1 quả đồi còn lổn nhổn gốc tre về đào xới, cải tạo. Khi ấy chị chỉ nghĩ đến việc trồng rau sạch xuất ra thị trường chứ chưa có đối tác hay đầu ra chắc chắn nào. Người phụ nữ nhỏ bé một mình cặm cụi với đất đai, chăm bón các giống cây hơn 1 năm thì khu vườn cũng thành hình với các khu trồng rau xanh, cây dược liệu riêng biệt và cả nhà lưới trồng hoa cùng hệ thống vòi tưới phun mưa giảm thiểu sức lao động.

 

Chị Hoàng Thị Hiên (bên phải) cùng người lao động dọn cỏ vườn rau.

Đến tháng 2/2015, chị Hiên thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green. Ngày đầu thành lập, với niềm tin nông sản sạch do mình trồng ra và là đơn vị đầu tiên được Chi cục Kiểm định chất lượng nông - lâm, thủy sản tỉnh xác nhận sản phẩm an toàn, giá lại hết sức ưu ái, chị đi gõ cửa nhiều nhà hàng, khách sạn, trường học để giới thiệu các loại rau xanh nhưng không nhiều nơi quan tâm đúng mức đến sản phẩm an toàn. Kết quả không như mong đợi, sản phẩm không có đầu ra ổn định nhưng chị không nản mà nỗ lực nhiều hơn nữa. Chị Hiên chia sẻ: “Trồng rau như nuôi con mọn. Tôi đã dành hầu hết thời gian của mình ở nông trại, đọc rất nhiều sách, báo, thông tin nghiên cứu trên internet để ươm giống, chăm sóc rau cho tốt và đảm bảo an toàn”. Chưa từng học qua chuyên ngành nông nghiệp, chỉ bằng tình yêu cây cối, trồng trọt, say mê tìm hiểu, chị Hiên tự tìm ra cách nuôi giun, trùn quế trên luống đất làm phân vi sinh để giảm dư lượng chất hóa học và làm đất tơi xốp; sử dụng tinh chất tỏi, ớt làm thuốc trừ sâu cho cây; ủ cỏ, cây làm phân hữu cơ… Giờ đây chị đã xây dựng thành công hệ thống nông trại gần 20.000m2 và chuỗi cửa hàng bày bán nông sản an toàn trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Sản phẩm của Công ty cũng chính thức “lên kệ” trong Siêu thị Hoa Ba được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Không chỉ bày bán sản phẩm do mình làm ra, chị Hiên còn kết nối với các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ đầu ra, như: Hợp tác xã Trồng dứa Háng Lìa (xã Sa Lông, huyện Mường Chà), rau Thanh Đông (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên)... Mong muốn lâu dài của chị là có thể bao tiêu nông sản cho nhiều hộ dân hơn nữa, nhưng do yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm và ràng buộc pháp lý trong cung ứng hàng hóa, cùng với thói quen trồng rau ồ ạt theo mùa vụ nên không có nhiều hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã đáp ứng được. Đây cũng là trăn trở khiến chị Hiên tốn nhiều công sức đi khắp các xã phường tìm nguồn cung, thương thảo với người dân. Để thực hiện được mong ước đấy là cả chặng đường dài, còn hiện tại chị đang tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, công nhân đều được đóng bảo hiểm và được lo ăn ở tại nông trại.

Chị Vương Thị Minh Nguyệt và chị Hoàng Thị Hiên chỉ là 2 trong số nhiều phụ nữ tiên phong, dám nghĩ dám làm trên địa bàn tỉnh ta. Năm 2016, Điện Biên có 2 tập thể, 10 cá nhân được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Bắc biểu dương là phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc. Các chị đang ngày càng khẳng định được vị thế xã hội của mình, là phái yếu nhưng tự tin đi lên bằng đức tính cần cù, chịu khó, đôi bàn tay sáng tạo và mạnh dạn tìm hướng đi mới, vững vàng trên con đường mình đã chọn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top