Doanh nghiệp chủ động vượt khó

08:53 - Thứ Năm, 30/03/2017 Lượt xem: 6737 In bài viết
ĐBP - Việc thắt chặt đầu tư công cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt nên cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi gặp nhiều thách thức. Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng đi mới phù hợp với tình hình thực tế.

Ngày 24/02/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết, bên cạnh những kết quả to lớn về kiềm chế lạm phát thì cũng có không ít khó khăn tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp. Việc thắt chặt đầu tư công đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyên bố phải phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi - thủy điện Điện Biên thi công chân đập thủy lợi Nậm Khẩu Hu.

Với tinh thần chủ động vượt lên mọi sự khó khăn, bằng nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, các doanh nghiệp xây dựng đã thích nghi dần với việc Chính phủ thắt chặt đầu tư công. Một phần nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách tạo lập môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh thông qua đại hội cổ đông, tổ chức hội nghị người lao động, tăng cường đối thoại với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng cường liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác làm ăn lâu dài, hiệu quả. Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Điện Biên là một minh chứng. Là công ty ngoài quốc doanh, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nên cũng phải chịu ảnh hưởng nhiều từ suy thoái kinh tế, việc thắt chặt đầu tư công của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Ông Lê Văn Thi, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Điện Biên, chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, việc thắt chặt đầu tư công khiến nhu cầu xây dựng cơ bản giảm, doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, doanh thu hàng năm liên tục giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty và đời sống cán bộ, người lao động. Trước thực trạng này, đơn vị đã điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu thực tế, như tìm đối tác để nhận thầu công trình vừa và nhỏ (công trình đường nông thôn mới, thủy lợi...). Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Quản lý chặt chẽ việc ký kết hợp đồng, sử dụng nguồn vốn; linh hoạt trong điều hành quản lý, giám sát đảm bảo tiết kiệm chi phí tối đa cho mỗi công trình, dự án. Dù doanh thu có giảm so với trước đây nhưng công ty cơ bản vẫn hoạt động tốt, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Chủ động vượt khó trong thời buổi cắt giảm đầu tư công, Công ty TNHH Sơn Hạnh (huyện Tuần Giáo) tìm cho mình một hướng đi mới duy trì hoạt động của công ty và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Từng là doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, nhưng trong tình hình nguồn vốn đầu tư khó khăn, doanh nghiệp nhiều trong khi công trình, dự án ít, Ban giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh đã chuyển đổi từ xây dựng sang phát triển mô hình nuôi cá hồi, cá tầm trên địa bàn xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) và hướng tới phát triển du lịch. Theo ông Tô Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh, nhận thấy Tênh Phông có khí hậu mát mẻ, có đầy đủ các điều kiện để nuôi cá hồi, cá tầm nên đã xin phép khảo sát kỹ lưỡng địa chất, địa mạo, nguồn nước. Giai đoạn đầu, Công ty đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để cải tạo khu vực nuôi cá, xây dựng bể nuôi và mua 6.500 con cá hồi giống. Đang chuyên về xây dựng, chuyển sang... nuôi cá cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nếu không chủ động tìm hướng đi mới mà “ngồi” chờ công trình, dự án thì... chết!. Theo tính toán của ông Sơn, đến thời điểm này hiệu quả của mô hình nuôi cá hồi, cá tầm hơn hẳn so với lĩnh vự xây dựng, trong khi tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Điện Biên và Công ty TNHH Sơn Hạnh chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đổi mới cách làm, chủ động khắc phục khó khăn vươn lên trong điều kiện thắt chặt đầu tư công. Vượt qua khó khăn, thử thách sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trong thời gian tới, sẵn sàng đón nhận thời cơ và thách thức mới.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top