Chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

09:11 - Thứ Hai, 10/04/2017 Lượt xem: 5153 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, mặc dù hoạt động buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả không diễn biến nổi cộm song vẫn còn nhiều vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm, lĩnh vực giá, đăng ký kinh doanh, hàng quá hạn sử dụng, quy định về ghi nhãn hàng hoá, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Bởi vậy, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay vẫn gặp khó khăn nhất định, cần sự chung tay góp sức của lực lượng chức năng và cả người dân.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng năm, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt ra quân thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Qua kiểm tra cho thấy hoạt động buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh không có diễn biến nổi cộm, phức tạp. Các vi phạm trong kinh doanh quy mô, số lượng nhỏ lẻ, tính chất vụ việc không lớn. Hàng năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch thường xuyên và chuyên đề được phê duyệt. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) các mặt hàng: bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm, hoa quả; các hoạt động tàng trữ, buôn bán hàng cấm (tiền giả, pháo các loại, đèn trời, đồ chơi trẻ em mang tính kích động, bạo lực); các vi phạm về nhãn hàng hóa, giá, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa... Trong quý I/2017, ngành đã tổ chức kiểm tra 249 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 70 vụ với trên 63 triệu đồng; buộc tiêu hủy tang vật tại chỗ, chủ yếu là bánh, kẹo, nước giải khát quá hạn sử dụng.

 

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đội Quản lý thị trường số 1 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Mai Phương

Theo ông Phạm Xuân Hưng, Phó Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương: Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, phân biệt hàng thật hàng giả, pháp luật và kinh doanh thương mại còn rất hạn chế. Trong khi đó, lực lượng cán bộ, trực tiếp tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lại rất mỏng, địa bàn rộng; phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát vừa thiếu, vừa lạc hậu. Dẫn đến công tác quản lý địa bàn, đối tượng kinh doanh có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra, kiểm soát thị trường. Bởi vậy, số vụ phát hiện, xử lý vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo VSATTP, hàng kém chất lượng chưa tương xứng với thực tế thị trường.

Xác định nâng cao hiệu quả vấn đề bảo vệ người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tập trung xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tăng cường tuyên truyền pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Vào tháng 3 hàng năm, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền sự kiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) trên các tuyến phố và địa điểm công cộng, tại các cơ quan, đơn vị bằng nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội”; “Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình”; “Người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường”; “Hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”... Tuy nhiên, thời gian tổ chức lại trùng vào dịp diễn ra Lễ hội Hoa ban hàng năm nên chưa thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên phối hợp, vận động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về vùng cao và tổ chức các hoạt động tri ân người tiêu dùng, như: Nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Thông qua chương trình này giúp người dân chủ động và có thói quen tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, doanh nghiệp có thêm công cụ tự bảo vệ và nâng cao khả năng cạnh tranh bình đẳng theo Luật Thương mại.

 

Siêu thị Hoa Ba - một địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: T.T

Khó khăn trong công tác bảo vệ người tiêu dùng hiện nay là nhận thức của nhiều người dân về pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hạn chế; ý thức của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tiểu thương chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Do vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng đồng thời quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh, thị trường.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top