Không đơn thuần là vấn đề lương thực

09:01 - Thứ Năm, 13/04/2017 Lượt xem: 6312 In bài viết
ĐBP - Khắc phục tình trạng sản xuất cầm chừng, vụ làm vụ bỏ gây lãng phí tài nguyên, lãng phí ngân sách khi các công trình thủy lợi không phát huy hết hiệu quả là nhiệm vụ được chính quyền các địa phương tập trung giải quyết trong thời gian qua. Trong đó vận động, thuyết phục người dân mở rộng diện tích sản xuất lúa 2 vụ là một giải pháp quan  trọng.

Từ năm 2004 đến nay, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) được đầu tư xây dựng 4 công trình thủy lợi: Hồ Chim 2, Nậm Chim 1, Làng Dung và Ma Thì Hồ 2 với tổng công suất tưới 30ha lúa đông xuân, 60ha lúa vụ mùa. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân Ma Thì Hồ chỉ tập trung sản xuất lúa vụ mùa còn vụ đông xuân thì bỏ gần như 100% diện tích.

 

Người dân bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) chăm sóc lúa đông xuân. Ảnh: Nhật Phương

Tìm hiểu nguyên nhân, được biết, không phải do thiếu nước hay các công trình thủy lợi không phát huy hiệu quả, mà sản lượng lúa từ vụ mùa năm trước vẫn đủ để người dân ăn trong một năm nên họ bỏ vụ đông xuân! Chị Vàng Thị Biết, cán bộ khuyến nông xã Ma Thì Hồ, cho biết: Vụ đông xuân bị bỏ là do người dân không làm, mặc dù trước mùa vụ, cán bộ xã tuyên truyền vận động rất nhiều nhưng người dân không làm thì chính quyền cũng chịu. Chính vì thế nên ruộng vụ đông xuân bỏ hoang cho cỏ mọc; nước từ các công trình thủy lợi chảy lênh láng, rất lãng phí.

Bản Hồ Chim 2 có diện tích lúa đông xuân chiếm khoảng 70% diện tích toàn xã Ma Thì Hồ. Vụ đông xuân năm 2015 và 2016, 100% diện tích đất ruộng của bản Hồ Chim 2 bị bỏ hoang. Ông Hạng A Hồ, Trưởng bản Hồ Chim 2 cho biết: Vụ mùa, bản Hồ Chim 2 có thể sản xuất tối đa 40ha, năng suất bình quân 58 tạ/ha thì chỉ cần sản xuất vụ mùa đủ thóc ăn cả năm. Do đó, vụ đông xuân bà con không có nhu cầu sản xuất thêm. Chẳng kể đâu xa, ông Hồ lấy luôn dẫn chứng là gia đình mình: Vụ mùa gia đình tôi gieo cấy 1,2ha lúa thu hoạch khoảng 4,5 tấn thóc. Nhà có 6 người, ăn cả năm hết khoảng 2,5 tấn thóc, còn thừa 2 tấn để bán và phục vụ chăn nuôi. Vậy nên, không cần sản xuất thêm vụ đông xuân, dành diện tích đấy để chăn thả trâu, bò.

Xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) cũng chung tình trạng. Ông Lò Văn Khan, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ, cho biết: Là xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất lúa ruộng nhất huyện Nậm Pồ nhưng từ năm 2010 - 2015 chưa năm nào xã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông xuân huyện giao. Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, người dân tập trung sản xuất vụ mùa đủ ăn cả năm nên không sản xuất vụ đông xuân; thứ hai, tình trạng thả rông gia súc tràn lan, phá hoại lúa; và nguyên nhân căn bản nhất là do người dân chưa có tư duy sản xuất lúa theo hướng hàng hóa mà vẫn theo tư duy “chỉ làm đủ ăn”.

Để không lãng phí đất, vốn đầu tư các công trình thủy lợi, 2 năm gần đây, chính quyền 2 cấp (huyện - xã) đã thực hiện nhiều giải pháp. Với phương châm “cán bộ xã tiên phong để người dân học tập, noi theo”, vụ đông xuân năm 2015 - 2016, 100% cán bộ xã Nà Hỳ có diện tích ruộng đủ nước đều tiến hành gieo cấy vụ đông xuân, đồng thời vận động người dân sản xuất; kết quả toàn xã gieo cấy được 11ha. Được sự hướng dẫn quy trình kỹ thuật về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh của cơ quan chuyên môn huyện, bà con quản lý gia súc không để phá hoại lúa, cuối vụ năng suất lúa đạt 48 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Tiếp nối thành công năm 2016, vụ đông xuân năm nay, xã Nà Hỳ đã gieo cấy 24ha, vượt 14ha so với chỉ tiêu kế hoạch huyện giao.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ, cho biết: Với các biện pháp quyết liệt, có hệ thống, 2 năm gần đây, diện tích lúa đông xuân của huyện Nậm Pồ liên tục tăng, hạn chế tình trạng lãng phí tài nguyên đất, nước và các công trình thủy lợi. Người dân có thêm thu nhập từ bán thóc, gạo, bước đầu hình thành tư duy sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top