Sẵn sàng cho mùa khai thác đầu tiên

09:03 - Thứ Năm, 13/04/2017 Lượt xem: 5038 In bài viết
ĐBP - Năm 2016, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã cho khai thác thí điểm 42,59ha, đạt sản lượng gần 25 tấn mủ (cao hơn năng suất của nhiều khu vực ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên trong điều kiện tương tự). Và đến nay, trên 600ha cây cao su của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã chuẩn bị bước vào đợt khai thác đầu tiên trước sự mong đợi của nhiều người dân và công nhân các nông trường.

Chúng tôi có đến Nông trường Cao su Điện Biên tại xã Hua Thanh, huyện Điện Biên đúng vào dịp Nông trường đang tổ chức lớp tập huấn kỹ năng khai thác mủ cho người dân. Trên 70 học viên đang say sưa thực hành cạo mủ để chuẩn bị cho buổi thi và cấp chứng chỉ vào sáng hôm sau, sự vui tươi, phấn khởi hiện rõ trên những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Chị Lầu Thị Nếnh ở bản Đỉnh Đèo, xã Hua Thanh, chia sẻ: Cạo mủ cao su khó lắm, không dễ như đi hái măng, bẻ bắp nhưng hơn 10 ngày được thầy dạy cho kỹ thuật nên mình làm được rồi… Chị cũng cho biết, cả chồng và con gái chị cũng tham gia lớp học này, thời gian tới cả nhà chị sẽ tham gia thu hoạch mủ cao su cho Nông trường để nâng cao thu nhập.

 

Học viên thực hành kỹ năng khai thác mủ cao su.

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Nông trường cho biết: Để chuẩn bị cho đợt thu hoạch mủ cao su đầu tiên, Nông trường đã tổ chức 4 đợt tập huấn kỹ năng, quy trình khai thác cho gần 200 học viên là các lao động tại địa phương. Học viên tham dự khóa học trong 13 ngày, được hỗ trợ tiền ăn, xăng xe và khóa học do giảng viên của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam trực tiếp giảng dạy. Chi phí đào tạo cho mỗi học viên trong một khóa học khoảng 3 triệu đồng. Sau mỗi khóa học, học viên phải trải qua phần thi lý thuyết và thực hành để được cấp chứng chỉ thì mới đủ điều kiện ký hợp đồng khai thác.

Tổng diện tích cây cao su mà Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đang quản lý, bảo vệ, chăm sóc là trên 6.300ha. Trong đó, trên 600ha được trồng từ năm 2008, 2009 đã bước vào giai đoạn đủ điều kiện khai thác mủ, tập trung ở huyện: Điện Biên, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó, diện tích cao su do Nông trường Điện Biên quản lý là 1.061,86ha, tập trung từ bản Huổi Chan, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đến xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ). Hiện nay Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã và đang tiến hành các bước: Đo chu vi thân cây để xác định cây cao su có đủ tiêu chuẩn khai thác mủ, vật tư, dập thiết kế miệng cạo, dính máng chắn nước mưa, treo kiềng máng bát. Theo tiêu chuẩn quy định mật độ cây hữu hiệu đưa vào khai thác bình quân phải đạt từ 70 - 80% số cây cao su trong vườn đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chuẩn của cây được đo cách mặt đất 1m, vòng vanh đạt từ 50cm và độ dày vỏ đạt 6 ly trở lên. Đồng thời, chuẩn bị trang bị vật tư và phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cùng chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cho công nhân và lao động địa phương.

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: Theo kế hoạch, dự kiến khoảng 600ha cây cao su của Công ty sẽ được khai thác mủ vào đầu tháng 5. Sản lượng mủ khai thác trong năm đầu tiên chưa nhiều do diện tích cho khai thác còn ít nên Công ty sẽ bán thô hoặc thuê gia công chế biến, việc xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su vẫn đang được tiến hành theo lộ trình. Số diện tích cây cao su bước vào khai thác do các hộ gia đình tham gia góp đất trồng cao su sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên hợp đồng đã ký kết với Công ty.

Quá trình trồng, chăm sóc cây cao su là một chặng đường dài, tốn không ít mồ hôi, công sức; vì vậy, với nhiều hộ dân nhận trồng cao su thì đây là thời điểm rất quan trọng. Với kết quả khả quan trong lần khai thác thí điểm năm 2016, người dân hy vọng rằng, đợt khai thác chính thức tới đây cây cao su sẽ cho sản lượng như mong đợi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc xóa đi những nghi ngờ về hiệu quả từ cây cao su ở Điện Biên nói riêng và một số tỉnh Tây Bắc nói chung. Đây cũng là động lực để người dân trồng cao su yên tâm gắn bó với nghề và là cơ hội tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top