Thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ cách làm

09:20 - Thứ Tư, 31/05/2017 Lượt xem: 7423 In bài viết
ĐBP - Đến xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo những ngày cuối tháng 5, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là sắc vàng của những cánh đồng lúa chín, màu xanh mướt của những cánh đồng ngô, dứa và đậu tương. Có được những thành quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền xã Pú Nhung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sang những giống cây, con có giá trị kinh tế cao; từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Cấp ủy đảng, chính quyền xã Pú Nhung đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, xã đều kiểm tra, rà soát tỷ lệ hộ nghèo, sau đó giao cho các đoàn thể đỡ đầu những bản còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tìm hiểu nguyên nhân từ đó chọn ra phương án giúp người dân thoát nghèo... Không chỉ quan tâm hỗ trợ đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước về nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ gạo mùa giáp hạt... mà chính quyền xã còn giao cho các tổ chức đoàn thể thực hiện việc tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất và thực hiện giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương. Xã cũng thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để nhân dân học tập... từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm trong nhân dân.

 

Gia đình chị Vừ Thị Máy, bản Đề Chia A, xã Pú Nhung chăm sóc nương dứa.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Vừ Thị Máy, bản Đề Chia A, xã Pú Nhung - một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Máy, chia sẻ: Năm 2010 khi mới lập gia đình ra ở riêng, tài sản giá trị nhất là 1 con trâu và 5.000m2 đất được bố mẹ chia cho; 2 vợ chồng lam lũ quanh năm, trồng sắn, trồng ngô rồi chuyển sang trồng mía nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Đến năm 2014, khi thấy gia đình người bạn bên Mường Chà trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao tôi về bàn với chồng và quyết định bán trâu để đầu tư trồng dứa. Vì là người đầu tiên đưa cây dứa về bản, về xã kinh nghiệm chưa có nên nhiều lần phải sang tận Mường Chà học hỏi cách chăm sóc, đồng thời tìm hiểu qua ti vi, sách báo. Vụ dứa đầu tiên, trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 40 triệu đồng. Thấy công chăm sóc ít mà mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần cây ngô, gia đình tôi thầu thêm đất mở rộng diện tích trồng dứa, nâng tổng diện tích lên 3ha. Ngoài trồng dứa, gia đình tôi còn trồng 2.000m2 mía và nuôi thêm 100 con vịt trời, 200 con gà thả vườn. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình trên 150 triệu đồng/năm; chỉ tính riêng đầu năm nay, từ việc bán cây dứa giống cho người dân trong bản, gia đình tôi đã thu về 50 triệu đồng. Thấy gia đình tôi làm được mọi người trong bản, trong xã cũng học làm theo, hiện nay chỉ tính riêng trong bản Đề Chia A cũng có khoảng 14ha dứa.

Ngoài gia đình chị Vừ Thị Máy còn có những gia đình khác đi đầu trong chuyển đổi giống cây trồng, như gia đình ông Vừ Khua Xá, ở bản Đề Chia A (người có công đưa loại cây dược liệu về với đất Pú Nhung). Hiên nay, gia đình ông Xá trồng 5.000m2 cây sa nhân, 300 cây quế, 400 cây dổi, 200 cây đào kết hợp chăn nuôi và trồng các cây nông nghiệp như: Ngô, sắn, mía... trừ chi phí gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng/năm. Ông Vừ Khua Xá, cho biết: Hiện ông đang chuẩn bị đưa giống bưởi diễn, bưởi da xanh và một số loại cây khác về trồng thử nghiệm ở địa phương, nếu hợp sẽ triển khai trồng đại trà và vận động người dân trong bản cùng làm.

Ông Vừ Chờ Lềnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhung cho biết: Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo mà bộ mặt nông thôn xã Pú Nhung đã có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 3 - 4%; thu nhập bình quân của xã đạt từ 9 - 10 triệu đồng/người/năm.

Thời gian tới, để công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả hơn, chính quyền xã tiếp tục vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế; đảm bảo thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội cho người dân...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top