Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

09:20 - Thứ Tư, 07/06/2017 Lượt xem: 7020 In bài viết
ĐBP - Nhờ biết tận dụng lợi thế tự nhiên cùng với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, ông Lường Ngọc Ký, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng từng bước mở rộng mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) và trở thành một trong những điển hình phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” trên địa bàn.

Như nhiều gia đình thuần nông khác, trước đây, sản xuất của gia đình ông Ký chỉ là làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập đủ ăn. Năm 2009, ông Ký đầu tư mua 1 cặp bò sinh sản. Những ngày đầu, do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên bò phát triển chậm. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông Ký áp dụng vào chăm sóc đúng bài bản, đến nay đàn bò của gia đình đã tăng lên gần 100 con. Có vốn từ bán bò, ông Ký xây dựng, cải tạo 500m2 chuồng trại để nuôi lợn sinh sản. Với 5 con lợn nái, mỗi năm gia đình ông xuất bán vài chục con lợn giống, đồng thời giữ lại một phần để nuôi lợn thịt. Nhờ được tập huấn kiến thức về thú y, ông Ký thành thạo mọi việc, từ tiêm vắc xin phòng bệnh đến khâu chăm sóc nên đàn lợn luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, ông Ký cải tạo gần 1.500m2 ao thả cá, tận dụng chất thải của lợn làm thức ăn cho cá, mỗi năm ông thu hoạch 2 lần. Từ nguồn phân chuồng dồi dào, ông Ký học hỏi phương pháp ủ phân hữu cơ an toàn để bón hơn 1ha cà phê. Mỗi năm vườn cà phê đạt sản lượng bình quân hơn 2 tấn. Đồng thời, gia đình ông Ký nhận khoanh nuôi và bảo vệ 1ha rừng và nuôi trên 300 con gà thả vườn.

Ông Ký chia sẻ: Để mô hình VAC phát triển tốt, cần chịu khó nghiên cứu, học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi. Ngoài học tập từ tài liệu, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi còn đến những trang trại làm ăn hiệu quả để học hỏi, rút kinh nghiệm. Lợi ích của mô hình VAC này là tạo nên vòng sản xuất khép kín. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí sản xuất mỗi năm mang lại nguồn thu cho gia đình hơn 200 triệu đồng.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top