Đẩy nhanh tiến độ giải ngân những tháng cuối năm

Tiến độ giải ngân chậm

08:54 - Thứ Tư, 09/08/2017 Lượt xem: 7843 In bài viết

ĐBP - Theo số liệu do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo tại phiên họp UBND tỉnh tháng 8, Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, Chính phủ và Bộ KH&ĐT giao cho tỉnh quản lý đến thời điểm báo cáo là 1.714 tỷ 063 triệu đồng (trong đó: vốn ODA 315 tỷ 769 triệu đồng). Đến thời điểm báo cáo địa phương đã giao chi tiết 1.648 tỷ 068 triệu đồng, bằng 99,04%; số vốn chưa giao 46 tỷ 489 triệu đồng. Lũy kế khối lượng thực hiện từ đầu năm đến 31/7/2017 là 505 tỷ 791 triệu đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2017 là 601 tỷ 879 triệu đồng, đạt 36,52% kế hoạch giao chi tiết.

Kế hoạch vốn kéo dài năm 2016 chuyển sang thực hiện giải ngân năm 2017 là 175 tỷ 607 triệu đồng (trong đó: Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương 3 tỷ 109 triệu đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) 32 tỷ 852 triệu đồng; Nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu thuộc kế hoạch đầu năm 43 tỷ 126 triệu đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 96 tỷ 520 triệu đồng; vốn ODA 8 tỷ 253 triệu đồng). Lũy kế khối lượng thực hiện từ đầu năm đến 31/7/2017 là 54 tỷ 567 triệu đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2017 là 54 tỷ 567 triệu đồng, đạt 31,07% kế hoạch giao chi tiết.

Số liệu nêu trên cho thấy, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm kế hoạch vốn năm 2017 và kế hoạch vốn năm 2016 kéo dài đạt thấp (36% kế hoạch), nhất là các nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và một số chương trình hỗ trợ các mục tiêu từ ngân sách Trung ương.

 

Công trình Trường Mầm non Mường Thín, xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo được đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Ảnh: Văn Tâm

Nguyên nhân

Về nguyên nhân giải ngân thấp một phần do kế hoạch vốn chương trình MTQG, vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ KH&ĐT giao muộn gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác, do các dự án khởi công mới thuộc chương trình MTQG đến thời điểm báo cáo chưa được Bộ, ngành trung ương thỏa thuận nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, cụ thể: (1) Chương trình 30a: Hiện UBND tỉnh đang trình thẩm định nguồn vốn cho 24 dự án thuộc Chương trình 30a (dự kiến khởi công mới năm 2017, trong đó bao gồm 8 dự án quy mô nhỏ thực hiện trình thẩm định nguồn vốn theo danh mục). Hồ sơ thẩm định nguồn vốn đã được UBND tỉnh gửi đến Bộ KH&ĐT cuối năm 2016, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại tỉnh vẫn chưa nhận được Văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ KH&ĐT. (2) Chương trình 135 và Chương trình nông thôn mới: Cuối năm 2016 tỉnh Điện Biên đã trình Bộ ngành trung ương thỏa thuận nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho 107 dự án dự kiến khởi công năm 2017 (không thuộc đối tượng đặc thù theo Nghị định 161/2017/NĐ-CP). Đến thời điểm báo cáo tỉnh Điện Biên mới nhận được Văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho 7 dự án trên 5 tỷ đồng và đã phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện còn 100 dự án Bộ KH&ĐT chưa có văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nên phần lớn kế hoạch vốn chương trình MTQG năm 2017 của 2 chương trình này bố trí cho các dự án khởi công mới chưa triển khai được. (3) Kế hoạch vốn ngân sách hỗ trợ các chương trình mục tiêu năm 2017 hiện còn 15 tỷ 960 triệu đồng, chưa đủ điều kiện giao chi tiết, do Bộ KH&ĐT giao nhầm cho 3 dự án tiếp chi thanh toán dứt điểm năm 2017, nhưng chưa thực hiện giảm phần vốn tiết kiệm 10% theo Nghị quyết 89/NQ-CP. UBND tỉnh đã có Văn bản số 518/UBND-TH ngày 1/3/2017, đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phân bổ lại số vốn 15 tỷ 960 triệu đồng cho 3 dự án theo đăng ký kế hoạch 2017 (tại Văn bản 3805/TTr-UBND ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh Điện Biên), nhưng đến nay Bộ KH&ĐT chưa có Văn bản chấp thuận. (4) Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc - TP. Điện Biên Phủ: Kế hoạch vốn năm 2017 đã giao từ đầu năm 130 tỷ 240 triệu đồng, đến thời điểm báo cáo Bộ Tài chính chưa chuyển nguồn cho Kho bạc Nhà nước tỉnh, nên chưa có nguồn để thanh toán. (5) Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 trung ương giao 171 tỷ đồng, UBND tỉnh đã phân bổ cho các dự án Tái định cư Thủy điện Sơn La, song đến ngày 24/7/2017 Bộ Tài chính mới có văn bản số 9765/BTC-ĐT hướng dẫn giải ngân do đó mới có cơ sở để giải ngân nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.

Về chủ quan, trong năm 2017, nguồn vốn bố trí chủ yếu cho các công trình tiếp chi, các dự án khởi công mới chỉ sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, còn vốn chương trình mục tiêu không bố trí khởi công mới. Như vậy có thể thấy rằng, tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch vốn đã giao từ đầu năm phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, như: (1) các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai; trình độ, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư, tư vấn còn hạn chế, nên công tác hoàn thiện hồ sơ để thanh toán vốn bị kéo dài; công tác kiểm tra, đôn đốc nắm tiến độ để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các chủ đầu tư chưa được thường xuyên, kịp thời; công tác chuẩn bị đầu tư chậm, đến thời điểm 31/7/2017 nhiều dự án khởi công mới (vốn CĐNSĐP) chưa hoàn tất thủ tục để giải ngân, nên tỷ lệ giải ngân vốn CĐNSĐP một số huyện đạt thấp (theo số liệu báo cáo cấp phát Kho bạc Nhà nước tỉnh đến 30/6/2017). (2) Do thiếu tính chủ động phối hợp trong triển thực hiện nhiệm vụ giữa các chủ đầu tư với các sở ngành liên quan. (3) Công tác quản lý đất đai của các huyện, thị xã, thành phố còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc trong thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) ảnh hưởng lớn đến tiến độ, tăng chi phí đầu tư và kinh phí đền bù giải tỏa. Tinh thần, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ đền bù giải tỏa còn hạn chế; công tác bồi thường GPMB hỗ trợ tái định cư một số dự án chưa được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân của một số chương trình dự án...

Và những giải pháp

Qua phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan như đã nêu trên, để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước đã giao, cho thấy trong các tháng còn lại của năm 2017, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:

(1) Tỉnh tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân và thanh quyết toán các nguồn vốn, trong đó Đề nghị Bộ Tài chính sớm chuyển nguồn vốn WB (Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP. Điện Biên Phủ) để địa phương có nguồn vốn thanh toán theo kế hoạch vốn ODA đã phân bổ cho tỉnh. Đề nghị Bộ KH&ĐT sớm thẩm định nguồn vốn các dự án thuộc chương trình MTQG để các dự án khởi công mới năm 2017 đủ điều kiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2017 và chuẩn bị cho các dự án khởi công mới năm 2018.

(2) Tiếp tục nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan quản lý dự án, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đền bù, GPMB, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

(3) Tập trung đôn đốc, yêu cầu tất cả các chủ đầu tư tiến hành kiểm tra tổng thể kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 (kể cả vốn kéo dài năm 2016 chuyển sang).

(4) Điều chuyển kế hoạch vốn của tất cả những dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 đến thời điểm 30/9/2017 giải ngân đạt tỷ lệ thấp (dưới 30% kế hoạch), cho các dự án khác trong cùng chương trình (đối với NSTW), trong cùng địa bàn (đối với vốn CĐNSĐP) có thể thực hiện được giải ngân hết số vốn điều chuyển đến 31/1/2018. Riêng nguồn vốn CĐNSĐP nếu địa bàn huyện, thị nào bị cắt giảm vốn lớn, mà không còn dự án đủ điều kiện để điều chuyển bổ sung vốn, thì cắt giảm toàn bộ số vốn đó chuyển sang cho các địa bàn khác.

(5) Khẩn trương kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ban quản lý dự án cấp huyện.

(6) Kho bạc Nhà nước tỉnh, các cơ quan kiểm soát chi tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời tư vấn, hướng dẫn cho các chủ đầu tư trong công tác giải ngân thanh toán các nguồn vốn, thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn theo phương thức hậu kiểm đối với dự án thanh toán lần đầu và dự án còn khối lượng, còn kế hoạch vốn.

Nguyễn Quang Hưng

Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh

Bình luận
Back To Top