Nghị lực vươn lên làm giàu của các CCB

09:24 - Thứ Hai, 21/08/2017 Lượt xem: 7777 In bài viết
ĐBP - Trở lại đời thường sau những năm tháng tham gia kháng chiến, dù trên người mang vết thương chiến tranh hoặc sức khỏe suy giảm nhưng nhiều thương, bệnh binh luôn nêu cao phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, vượt qua đớn đau, bệnh tật vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Họ là những tấm gương tiêu biểu trong đời thường để mọi người học tập, noi theo.

Về thăm gia đình thương binh hạng 4/4 Lò Văn Khón (sinh năm 1946, ở bản Đắng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng), được nghe ông kể nhiều câu chuyện về thời chiến và những tháng ngày vượt đau đớn do vết thương để làm kinh tế nuôi các con ăn học… Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Khón lên đường chiến đấu trên chiến trường Lào. Năm 1971, trong trận đánh với quân địch ông bị thương nặng, được đồng đội chuyển về tuyến sau điều trị. Cũng từ đó, ông mang vết thương trên người nên mất hoàn toàn sức lao động.

 

Ông Lò Văn Khón chăm sóc đàn lợn.

Năm 1973, do điều kiện gia đình khó khăn, ông Khón quay trở về quê rồi lập gia đình và tham gia công tác tại thương nghiệp Tuần Giáo (Lai Châu), 7 người con lần lượt ra đời trong niềm vui khôn tả nhưng cũng mang đến những nỗi lo bởi kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Sức khỏe kém, con nhỏ, điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, không cam chịu đói nghèo, ông tìm hướng phát triển kinh tế từ mô hình VAC. Ngoài 2ha ruộng, ông Khón xây dựng kinh tế với 2.000m2 ao cá và 12 con trâu, 10 con lợn. Để tăng thêm thu nhập, ông mở thêm 1 cửa hàng tạp hóa nhỏ. Nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người lính, đến nay gia đình ông thu nhập từ 40-60 triệu đồng/năm. Ông Khón chia sẻ: Để có được cuộc sống như hôm nay, ngoài sự nỗ lực, gia đình cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều từ các cấp, các ngành và người dân trong thôn, xã. Với ông Khón công việc luôn là niềm vui và động lực để ông phấn đấu giúp cho gia đình có cuộc sống tốt đẹp và góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Cựu chiến binh (CCB) Bùi Trọng Vệ, sinh năm 1953, cũng là 1 trong những điển hình như thế. Năm 1971, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam B2. Là người lính trực tiếp cầm súng, bị thương là điều khó tránh khỏi. Khi chiến đấu với kẻ địch, ông đã nhiều lần bị thương do bom, đạn... Năm 1987, sau 16 năm lăn lộn khắp các chiến trường Bắc, Nam và nước bạn Lào, ông xuất ngũ trở về quê hương, nghỉ chế độ bệnh binh bị nhiễm chất độc hóa học, tỷ lệ thương tật 61%. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, sức khỏe yếu, nhưng với ý chí của người lính, ông động viên vợ con khắc phục khó khăn, quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Xét thấy lợi thế đất vườn rộng, ông Vệ tự mày mò, tìm hiểu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên bước đầu cũng gặp khó khăn. Ông đã lặn lội đi các tỉnh Sơn La, Nam Định, Lào Cai… để học tập kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt. Qua nhiều năm tần tảo, chịu khó, đến nay ông đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi với mô hình chăn nuôi lợn, gà kết hợp với trồng mía. Hiện tại mô hình kinh tế của gia đình ông cho thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Dù trên người mang thương tật nhưng những CCB như Lò Văn Khón; Bùi Trọng Vệ; Quàng Văn Hặc (bản La Hán), Lò Văn Hùng (bản Co Hắm) xã Ẳng Nưa; Lò Văn É (bản Giáng, Ẳng Cang) luôn tích cực tham gia công tác xã hội và thi đua trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Bà Tô Thị Hạnh, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho biết: Những năm qua, các cấp, các ngành và nhân dân luôn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm tri ân với những đóng góp, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những hoạt động thiết thực ấy vừa thể hiện tình cảm, trách nhiệm với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ vừa tạo sức lan tỏa, huy động được hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; động viên người có công, gia đình chính sách vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống hôm nay.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top