Phòng chống gian lận thương mại ở vùng cao còn khó khăn

08:37 - Thứ Tư, 23/08/2017 Lượt xem: 7301 In bài viết
ĐBP - Trao đổi về thực trạng chất lượng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, ông Lò Văn Âu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 cho biết: Với nhiều người dân vùng cao, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, các sản phẩm hàng hóa chỉ cần vừa túi tiền và sử dụng được là bà con mua. Có những mặt hàng nếu chỉ nhìn qua về bao bì thì không ít người sẽ nhầm lẫn hàng giả, hàng nhái với hàng thật, bởi hàng giả, hàng nhái chỉ cần thêm hoặc thiếu đi một chữ hay số thì sẽ giống hệt hàng thật. Hơn nữa, bà con ít quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, thậm chí còn không biết đến khái niệm này. Vì vậy, việc tẩy chay hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc luôn là vấn đề nan giải.

Tại  huyện Điện Biên Đông, mặc dù lực lượng chức năng đã thường xuyên tăng cường kiểm tra nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn tồn. Thủ đoạn của các đối tượng gian lận thương mại ngày càng tỏ ra tinh vi, khó lường, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo dõi, nắm tình hình chúng tôi được biết, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại song hành và cạnh tranh với hàng thật bằng ưu thế giá rẻ. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại sử dụng nhiều phương thức như: Cất giấu hàng ở nhiều địa điểm khác nhau; móc nối với cơ sở sản xuất hàng giả để che giấu thông tin; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển. Bên cạnh đó hầu hết các cửa hàng nhỏ, lẻ, số lượng hàng hóa bày bán không nhiều nên rất khó xử lý. Đối với các quầy hàng lưu động thì càng khó xử lý vì loại hình này thường xuyên di chuyển tại nhiều xã vùng cao. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Điện Biên Đông đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng; số tiền xử phạt là 10,45 triệu đồng.

Trước tình hình đó, Đội QLTT số 7 Điện Biên Đông đã tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường ngay từ các địa bàn trung tâm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm sở hữu trí tuệ, niêm yết giá… Qua đó nhằm bình ổn giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác quản lý địa bàn đã từng bước đi vào nề nếp ổn định, phân công cụ thể, giao địa bàn quản lý, yêu cầu cán bộ QLTT bám sát 9 nội dung quản lý địa bàn theo Thông tư số 24/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương; thường xuyên thống kê, nắm bắt tình hình tăng, giảm thương nhân, kịp thời bổ sung đưa vào sổ bộ. Đồng thời, tổ chức các kênh thu thập thông tin để dự báo tình hình và chủ động điều tra diễn biến, xu hướng thị trường, từ đó phát hiện những vấn đề nổi cộm, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top