Để cây nhãn mang lại giá trị kinh tế cao

08:48 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 10261 In bài viết
ĐBP - Vụ nhãn năm nay trên địa bàn tỉnh ta không sai trĩu quả, sản lượng thu được không cao nhưng cũng đủ để bày bán khắp các chợ lớn nhỏ. Mặc dù vậy để chọn mua, thưởng thức được những chùm nhãn thực sự thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, cùi dày, căng mọng, ngọt lịm lại không phải dễ dàng. Đây cũng là điều mà không ít người từng thắc mắc - với diện tích nhãn rất lớn nhưng Điện Biên không có loại nhãn nào đặc trưng, có giá trị thương phẩm cao và thương hiệu trên thị trường.

Tăng số lượng, thiếu chất lượng

Nhãn là loại cây ăn quả phổ biến nhất và được trồng nhiều nhất tại tỉnh ta. Nhưng cho đến nay, ngoài phục vụ nhu cầu trên địa bàn thì nhãn chủ yếu được làm thành long sấy khô chứ quả tươi không được đánh giá cao tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Lý do bởi tuy là tỉnh trồng rất nhiều nhãn nhưng lai tạp nhiều giống khác nhau, chất lượng không đồng đều. Cùng với đó, nhãn đã được trồng nhiều năm, phần lớn bị thoái hóa giống, quả nhỏ, cùi mỏng, hạt to, nhiều nước... Chất lượng quả không cao, cây lâu năm cao lớn khó cho việc thu hái nên đa số gia đình trồng nhãn trên địa bàn chọn cách “bán vo” cả vườn từ khi cây mới ra hoa hoặc quả non cho các cơ sở sản xuất long nhãn. Vì vậy, nhiều hộ dân có vườn nhãn hàng chục cây nhưng chỉ thu được vài triệu đồng mỗi vụ là chuyện khá phổ biến. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, đất rộng, cây thưa (nhãn thường ra tán rộng, cao, tốn nhiều diện tích) nhưng hiệu quả kinh tế thấp, lãng phí đất sản xuất.

 

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra chất lượng nhãn ghép của gia đình ông Nguyễn Hồng Thái, tổ dân phố 16, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ).

Gia đình ông Lò Văn Đoàn, bản Ten Núa, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) ươm trồng hơn 20 cây nhãn trên gần 2.000m2 đất của gia đình. Những cây này được trồng đã bao nhiêu năm ông cũng không nhớ, chỉ biết giờ các gốc đều già cỗi, có gốc to 1 người ôm mới hết. Vườn nhãn của gia đình ông cũng có đủ các loại giống khác nhau: nhãn nước, nhãn thóc, nhãn gỗ, nhãn cùi. Trong số ấy, một số cây có quả bị sâu đầu cùi, không thể bán lẻ. Vì những lý do đó, cộng với việc năm được mùa, năm mất, giá cả không ổn định nên để “cầm chắc”, ông Đoàn thường bán trọn vườn cho thương lái từ khi nhãn vừa ra hoa, đậu quả với giá từ 2 - 3 triệu đồng.

“Làm mới” cây nhãn lâu năm

Nhãn là cây ăn quả quen thuộc, có bóng mát, dễ sống, không tốn công chăm sóc mà vẫn mang lại thu nhập cho các hộ nông thôn. Vì vậy, việc vận động chặt bỏ, chuyển đổi sang loại cây trồng khác hoặc mất nhiều năm chờ ươm trồng cây mới đối với người dân có thể nói là điều không khả thi. Để những vườn nhãn có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân, nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nghiên cứu triển khai mô hình ghép cải tạo nhãn tại TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Mô hình này tận dụng cây nhãn có sẵn làm gốc ghép để phát triển giống nhãn mới cho năng suất, chất lượng cao hơn. Tức là cây được cưa, đốn cành rồi ghép mắt giống nhãn khác đã qua chọn lọc vào gốc cây cũ. Việc làm này như “hồi sinh” cho cây, giúp cây nhanh cho thu hoạch. Giống nhãn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào địa bàn tỉnh là PH-M99-1.1 có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên, chùm quả sai, to đều, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, chín muộn so với nhãn đại trà khoảng 20 ngày. Từ năm 2012 đến nay, qua các dự án và đề xuất hỗ trợ ghép mắt của người dân, Trung tâm đã thực hiện ghép cải tạo giống PH-M99-1.1 trên khoảng 10ha nhãn địa phương. Kết quả thu được rất khả quan, cho giá trị kinh tế cao. Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chi phí ghép và chăm bón sau ghép tốn gần 350.000 đồng/cây. Mỗi cây nhãn sau 2 năm ghép cải tạo sẽ cho thu hoạch, năng suất trung bình dự kiến trong những năm đầu là 50kg quả/cây. Với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg sẽ cho thu về 1 triệu đồng/cây, lãi 650.000 đồng/cây.

Hiện tại, Trung tâm cũng đang triển khai Dự án “Ghép cải tạo nhãn” với quy mô 1,5ha (600 cây) cho 30 hộ dân thuộc phường Nam Thanh, Him Lam, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) và xã Thanh Yên, Núa Ngam (huyện Điện Biên). Dự án này bắt đầu triển khai từ năm 2015, đến nay nhiều cây đã cho thu hoạch. Trong đó có vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Hồng Thái, tổ dân phố 16, phường Nam Thanh. Gia đình ông Thái có khu vườn rộng với hơn 30 cây nhãn. Vườn cây này do ông tự tay chọn hạt nhãn ngon ươm trồng nhưng lớn lên lại cho ra những loại nhãn khác nhau, chất lượng không như mong muốn. Năm 2015, biết Dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, ông đã đăng ký tham gia. Năm đầu tiên, ông đốn cành thử ghép 6 cây. Thấy các mắt ghép sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2016, ông được cán bộ Trung tâm giúp ghép thêm 9 cây. Sau 2 năm, 5 cây đã cho quả. Ông Thái cho biết: Dù ghép trên gốc cũ nhưng cây nhãn cho quả khác hẳn trước đây, to và ngon hơn rất nhiều. Tán cây cũng thấp nên dễ chăm sóc và thu hoạch. Tuy một số cây mới ra bói vụ đầu, chưa có nhiều quả nhưng quả to đều, cùi thơm, ngon, nhiều thương lái vào hỏi mua với giá trung bình 20.000/kg.

Anh Trần Văn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Mô hình ghép cải tạo nhãn có khả năng nhân rộng trên địa bàn. Thực tế, sau khi nhận thấy các cây nhãn ghép cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây cũ, nhiều hộ dân đã nhờ Trung tâm hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật rồi tự bỏ tiền đầu tư để ghép giống nhãn mới. Mỗi năm, diện tích nhãn ghép đều tăng và thêm nhiều người biết đến kỹ thuật ghép mắt này là cơ sở để tin rằng trong thời gian tới, nhiều vườn nhãn chất lượng thấp sẽ được “hồi sinh”, thay đổi hoàn toàn; chất lượng nhãn của Điện Biên không chỉ tăng lên đồng đều mà còn được biết đến và đón nhận bởi thị trường rộng lớn hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top