Chợ phiên góp phần giao thương phát triển kinh tế - xã hội

08:38 - Thứ Sáu, 15/09/2017 Lượt xem: 6731 In bài viết
ĐBP - Huyện Tủa Chùa có 2 chợ phiên, 6 ngày họp 1 lần tại các xã vùng cao phía bắc và phía nam. Chợ Tả Sìn Thàng (phía bắc) họp vào ngày Tý và Ngọ (con chuột và con ngựa). Chợ Xá Nhè họp vào ngày Dậu và ngày Mão (ngày con gà và con mèo). Cả 2 chợ đều họp từ sáng sớm đến xế chiều, nhưng nhộn nhịp đông vui nhất từ 11 - 13 giờ. Những năm gần đây, chợ phiên là nơi giúp người dân trong vùng và thương lái từ nhiều nơi đến mua bán nông sản, trao đổi hàng hóa. Hoạt động ổn định của chợ phiên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí cho người dân địa phương.

Đã thành lịch ấn định, 6 ngày 1 lần, đồng bào các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình đến chợ Tả Sìn Thàng trao đổi mua bán; người dân các xã: Mường Báng, Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng, Huổi Só... thì đến chợ Xá Nhè. Người đến chợ đủ các lứa tuổi; họ mang đến cây trồng vật nuôi, sản phẩm nghề rèn gồm dụng cụ lao động sản xuất, trang phục dân tộc. Cả 2 chợ phiên có nét văn hóa giống nhau, người đến chợ tuy mua bán trao đổi hàng hóa nhưng không nặng tính thương mại. Kẻ mua người bán không nói thách nhiều, hàng hóa bán được hay không, không quan trọng. Người đến chợ có khi chỉ mang theo 1 con gà, có người chỉ 1 can rượu, mấy chai mật ong, có chị mang mấy cân sợi chỉ màu, người bán mấy chục con dao, người bán vài chục cân thóc, ngô, đậu tương, rau củ, quả... Có người lại dắt 1 con ngựa, con bò, trâu xuống bán. Họ bán thứ này, mua thứ khác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Điều đặc biệt là, sản phẩm vật nuôi của nông dân địa phương bán tại chợ phiên Xá Nhè và Tả Sìn Thàng đều được người tiêu dùng, thương lái tiêu thụ hết. Đa số các gia đình không sử dụng thức ăn công nghiệp, tăng trọng vào chăn nuôi, trồng trọt; thực phẩm không dùng thuốc bảo quản; cây trồng ít sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng. Do vậy sản phẩm nông sản được người tiêu dùng và thị trường ưa chuộng nên có giá bán cao, dễ tiêu thụ. Chợ phiên đã thực sự trở thành cầu nối giúp người dân trong vùng giải quyết đầu ra sản phẩm, trang trải chi tiêu, cải thiện đời sống.

Chị Thào Thị Cở, bản Sín Sủ 1, xã Xá Nhè, cho biết: Gia đình tôi duy trì đàn gà hơn 50 con nuôi theo phương pháp truyền thống, có trọng lượng từ 1 - 2,5kg/con, giá bán 140 nghìn đồng/kg, nhiều thương lái và khách hàng là cán bộ, công chức các cơ quan gần trung tâm xã muốn mua cả đàn nhưng tôi không bán. Gia đình nuôi để làm nguồn thực phẩm dự trữ phục vụ cuộc sống hàng ngày. Khi cần chi tiêu nhỏ (mua xà phòng, kem đánh răng, muối, nộp tiền điện, tiền học cho con... ) tôi đến chợ phiên bán vài con gà là đủ. Còn chi tiêu lớn của gia đình sẽ bán dê, trâu. Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè, cho biết: Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng cơ sở của xã được đầu tư, đường giao thông thuận lợi nên việc đi lại của người dân đến chợ phiên thuận lợi. Cũng nhờ đó, nhiều thương lái từ các nơi đến chợ Xá Nhè và tới các thôn, bản trong xã thu mua lúa, ngô, lợn, trâu, bò, ngựa, cá sông Đà... Sản phẩm hàng hóa được lưu thông, thu nhập người dân khá lên, đời sống được cải thiện. Chợ phiên Xá Nhè còn thu hút nhiều hộ dân tộc Kinh đến đây làm dịch vụ, buôn bán, mở cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, may mặc… tăng thu nhập.

Chúng tôi đến chợ phiên Tả Sìn Thàng và Xá Nhè trong tháng 8 vừa qua, nhận thấy hàng hóa, nông sản thực phẩm người dân mua bán trao đổi với nhau trong một phiên chợ không lớn, nhưng chợ thực sự trở thành cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giúp họ có tiền chi tiêu trang trải và cải thiện đời sống. Chợ phiên còn là nơi trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp nông dân sản xuất kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top