Thăng trầm nghề trồng cánh kiến đỏ

10:14 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 7558 In bài viết
ĐBP - Xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà từng được coi là vùng trọng điểm nuôi thả cánh kiến đỏ của Lâm trường Ðặc sản Lai Châu. Qua nhiều biến cố và thời gian, đến nay, nghề trồng cánh kiến đỏ nơi đây vẫn được một số hộ dân kiên trì bám trụ. Ðể sống được với nghề, những người trồng đã trải qua không biết bao nhiêu cay đắng, ngọt bùi cùng với sự thăng trầm của cánh kiến…

Ngược thời gian về hơn 30 năm trước, cùng với Lâm trường Ðặc sản Lai Châu, Dự án nuôi thả cánh kiến ở xã Huổi Lèng được triển khai với những ước mong về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Lâm trường Ðặc sản Lai Châu giải thể, toàn bộ diện tích cây cánh kiến của Huổi Lèng phải chia đều cho người dân. Hàng nghìn héc ta cánh kiến đang ở độ trưởng thành không biết bán cho ai và bán ở đâu... Trước tình trạng đó có người buông bỏ, nhưng vẫn còn nhiều người kiên trì bám trụ với nghề. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn xã có hơn 350ha cây chủ thả cánh kiến đỏ, tập trung nhiều nhất ở các bản: Huổi Toóng 1, 2, Trung Dình và Huổi Lèng, mật độ trung bình từ 400 - 500 cây/ha. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì đây cũng là một hướng đi để xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân. Tuy vậy, hiện nay người dân vẫn đang nuôi trồng tự phát nên hiệu quả chưa thực sự cao. Thêm nữa rất dễ bị thương lái ép giá nên thu nhập cũng bấp bênh...

 

Người dân bản Trung Dình, xã Huổi Lèng sơ chế nhựa cánh kiến đỏ sau khi thu hoạch.

Chúng tôi có dịp về Huổi Lèng khi cánh kiến đang vào vụ. Ghé thăm gia đình ông Hạng Giảng Của, bản Trung Dình, là một trong số những người còn gắn bó với cánh kiến. Ông Của tâm sự: Ðến thời điểm hiện tại, ông cũng không xác định được diện tích thả cánh kiến chính xác của gia đình mình. Bởi vì việc thả cánh kiến còn phụ thuộc vào cây chủ nên thường phân bố rải rác khắp trong bản, trên nương. Ông chỉ biết nếu được mùa mỗi năm gia đình thu về gần 1 tấn nhựa cánh kiến tươi. Giá bán lúc tăng lúc giảm nhưng cũng mang lại khoản thu không nhỏ, trung bình 60 - 70 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để có thu nhập đó không phải điều đơn giản. Bởi nghề này không chỉ là thả cánh kiến lên cây chủ rồi chờ thu hoạch mà đòi hỏi người trồng phải chăm chỉ, kiên trì trong suốt gần cả năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau. Cùng với đó là nỗi lo cánh kiến không chịu ở trên cây chủ mà bỏ đi hoặc chết do thời tiết, khí hậu... Công việc vất vả, nguy hiểm nhất là thời điểm trước khi buộc thả giống phải trèo lên những cây cao tỉa cành, tạo tán và đu đưa thân mình chặt những cành đầy ăm ắp nhựa vào lúc thu hoạch.

Tương tự như ông Của, bà Mùa Thị Chứ, bản Trung Dình cũng không thống kê hết được diện tích thả cánh kiến của gia đình mình, chỉ áng chừng vài héc ta gì đấy. Ngay cả những cây quanh nhà cũng được bà tận dụng để thả cánh kiến. Vừa chỉ cho chúng tôi những cây chủ đã đến kỳ thu hoạch, bà Chứ cho biết: Trung bình 1 cây to cho thu hoạch từ 30kg nhựa cánh kiến tươi, cây bé khoảng 8 - 10kg. Về phần giá bán cũng thay đổi theo từng thời điểm. Ðã có năm giá cánh kiến lên tới 200 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ dân thấy vậy cũng đua nhau thả cánh kiến. Nhưng đó là chuyện của vài năm trước. Bây giờ giá cánh kiến cũng bấp bênh theo thị trường. Có năm được mùa thì giá thấp hoặc thương lái không về thu mua, có năm giá cao thì không có bán.. Ðã có thời điểm giá nhựa cánh kiến chỉ còn 8 - 10 nghìn đồng/kg. Như năm nay, giá cánh kiến đầu vụ tầm 25 - 30 nghìn đồng/kg nhưng thương lái vẫn chưa về thu mua. Trả lời câu hỏi của chúng tôi tại sao giá cánh kiến lại bấp bênh như thế, bà Chứ chỉ cười: Không biết! Giá này do thương lái về thu mua chứ người dân không quyết định được. Thấy người ta bảo năm nào bán được ra nước ngoài thì giá sẽ cao, nếu không giá thấp lắm. Giá thấp cũng vẫn phải bán bởi người dân cũng không biết sử dụng nhựa cánh kiến vào mục đích gì... Trừ trường hợp hãn hữu giá xuống quá thấp thì người dân sẽ giữ lại chờ năm sau, bởi nhựa cánh kiến phơi khô có thể bảo quản được hơn một năm.

Rời Huổi Lèng chúng tôi mang theo nhiều tâm sự về sự thăng trầm của nghề nuôi cánh kiến. Ðiều khiến chúng tôi băn khoăn, suy nghĩ nhiều nhất là hướng tiêu thụ. Sản phẩm người dân làm ra nhưng lại không biết chúng được dùng vào mục đích gì; có giá trị ra sao để định giá bán cho chính xác. Thay vì là người chủ động định giá trong giao dịch thì người dân đang trở thành người bị động mặc cho thương lái định đoạt. Theo thiển ý của chúng tôi, nên chăng thành lập một tổ hợp tác sản xuất, hoặc lớn hơn là hợp tác xã để những người còn tâm huyết với nghề cánh kiến ở Huổi Lèng tập hợp nhau lại cùng phát triển, tránh tình trạng bị thương lái ép giá sản phẩm...

Bài, ảnh: Sơn Nam
Bình luận
Back To Top