Làm giàu từ mô hình kinh tế vườn rừng

09:49 - Thứ Sáu, 13/10/2017 Lượt xem: 6113 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, nhằm tạo thu nhập bền vững, các cấp chính quyền khuyến khích người dân phát huy thế mạnh của địa phương, trong đó khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế vườn rừng, trang trại, nâng cao thu nhập.

Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Bạc Cầm Phiu, bản Nà Dên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) là một điển hình của việc tận dụng và phát huy lợi thế địa phương. Trang trại có quy mô trên 10ha gồm: trồng rừng, cà phê, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ðược biết, trước đây gia đình ông Phiu thuộc hộ đói nghèo, hàng năm, ngoài việc làm nương như  bao hộ khác trong bản, gia đình ông cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng không đủ chi phí trang trải cuộc sống cho 7 nhân khẩu. Không cam chịu đói nghèo, nhận thấy điều kiện thuận lợi của vùng rừng núi, ông Phiu đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình trang trại trồng cà phê, trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Năm 2003, khi bắt tay vào trồng rừng gia đình ông Phiu gặp không ít khó khăn do thiếu vốn và kinh nghiệm. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh về vốn và kỹ thuật trồng rừng ông Phiu đã từng bước tháo gỡ được khó khăn trước mắt. Ông nhận thấy rằng vấn đề quyết định đến sự thành bại trong sản xuất lâm nghiệp đó là khâu chọn giống và chăm sóc cây sau khi trồng. Bởi thế, ông đã sử dụng giống cây có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt của các đơn vị cung ứng uy tín và trồng rừng đúng quy trình, kỹ thuật. Với tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên, ông xác định để kinh tế gia đình đi lên một cách bền vững trong khi ít vốn thì phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tìm ra nguồn thu khác trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch. Nghĩ là làm, ông đã cải tạo lại nguồn quỹ đất sẵn có của gia đình thành ao cá với diện tích mặt nước gần 2.000m2 để nuôi cá thương phẩm. Mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 50 triệu đồng từ bán cá. Ðây cũng là nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và có thêm vốn đầu tư trồng rừng. Từ chỗ chỉ vài héc ta rừng, đến nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích rừng trồng lên 10ha với giống cây chủ yếu là dổi găng. Hiện nay, rừng trồng của ông Phiu ước tính khoảng trên 3.000 cây dổi găng chuẩn bị cho thu hoạch; diện tích cà phê cũng đang trong thời kỳ kinh doanh; 25 con trâu, bò, 50 con dê, gần 1.000 con gia cầm. Tổng thu nhập từ mô hình kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi của gia đình ông Phiu đạt 200 triệu đồng/năm.

Ông Phiu cho biết: Ðể phòng chống cháy rừng, tôi hướng dẫn thành viên trong gia đình phát dọn, làm đường băng cản lửa những chỗ xung yếu. Ðồng thời tuyên truyền, vận động dân bản nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không khai thác, chặt phá rừng bừa bãi; nhất là dùng lửa cẩn thận tránh gây cháy rừng tự nhiên, lan đến rừng trồng. Thời gian tới, ngoài duy trì, chăm sóc tốt diện tích rừng trồng và cà phê, tôi sẽ nhân rộng đàn trâu, bò dê theo hướng nuôi rẽ để tạo việc làm cho dân bản và địa bàn lân cận.

Cũng làm giàu với mô hình kinh tế vườn rừng như ông Phiu, ông Lò Văn Giảng, bản Tạo Sen, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, gồm: 10ha cây lấy gỗ (tếch, mỡ, lát); 5ha cây ăn quả (xoài, vải); 10ha tre lấy măng; đào 4.000m2 ao nuôi cá, hàng năm xuất bán trên 50 vạn con cá giống và trên 1 tấn cá thịt. Ngoài ra, ông Giảng còn trồng xung quanh hàng rào bảo vệ trang trại trên 6.000 cây mây nếp. Ông Giảng chia sẻ: Trồng rừng cần rất nhiều thời gian mới cho thu hoạch, không như nhiều mô hình sản xuất khác vì vậy thời gian đầu trồng rừng gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư không hề nhỏ. Do đó, tôi lựa chọn phát triển, mở rộng từng bước, diện tích rừng của gia đình tăng dần sau mỗi năm chứ không phải có vốn đầu tư ngay một lúc.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình kinh tế vườn rừng của gia đình ông Phiu và ông Giảng đã và đang tạo việc làm thường xuyên và theo thời vụ cho nhiều lao động nông thôn với mức thu nhập ổn định từ 2-4 triệu đồng/tháng. Ðiều đó cũng minh chứng cho sự đổi mới về tư duy sản xuất của một bộ phận nông dân, từ chỗ chủ yếu trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước thì đến nay họ đã chủ động đầu tư, biết tận dụng tiềm năng lợi thế địa phương để phát triển sản xuất. Từ thành công của những điển hình như hộ ông Phiu và ông Giảng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Mường Ảng, Mường Lay đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn vay vốn để phát triển mô hình kinh tế vườn rừng.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top