Nhà nông cần biết

Trồng bí ngô theo hướng khai thác ngọn

08:50 - Thứ Hai, 16/10/2017 Lượt xem: 6370 In bài viết

1. Thời vụ

Bí siêu ngọn có thể trồng quanh năm, nhưng tập trung vào 2 vụ chính: thu đông gieo hạt từ 1/9 - 15/10; vụ đông xuân, gieo hạt từ 15/12 - 25/1.

2. Làm đất

Có thể tận dụng các bờ lô, bờ thửa, bờ ruộng để trồng, trồng xen canh trong vườn cây ăn quả khi chưa khép tán nhưng cách gốc các loại cây này khoảng 1m. Cũng có thể tranh thủ trồng 1 vụ luân canh với lúa mùa sau khi thu hoạch nhưng phải lên luống, khơi rãnh để tránh bị úng ngập dễ bị bệnh thối gốc, thối cây.

Với đất bãi, đất vườn cần cày bừa, lên luống rộng 2m. Với đất lúa mùa, ruộng lúa sau khi gặt xong còn ướt tranh thủ cày thành luống rộng khoảng 2m để trồng cây (đã gieo qua bầu) bằng đất mồi, rồi xăm xới đất trong quá trình chăm sóc.

3. Cách gieo trồng

Ngâm hạt giống trong nước ấm từ 6 - 8 giờ. Sau đó rửa sạch, đem ủ trong khăn ẩm cho nứt nanh mới đem gieo. Có thể gieo hạt trực tiếp trên hố hoặc gieo vào bầu.

- Nếu trồng trên đất bãi, đất vườn thì nên gieo hạt trực tiếp, cây bí sẽ sinh trưởng khỏe hơn. Mỗi hốc gieo 2-3 hạt, khi đã mọc thì chọn giữ lại 1 cây khỏe mạnh, còn nhổ bỏ hoặc để trồng dặm cho những hốc không mọc hoặc mọc yếu.

- Nếu trồng trên đất ruộng lúa mùa (đất ướt) nên làm bầu để trồng cây con. Sử dụng hỗn hợp giá thể gồm đất bột + mùn mục theo tỷ lệ 1:1 cho vào các khay, bầu. Mỗi ô của khay hoặc mỗi bầu gieo 1 hạt, gieo xong phủ một lớp mỏng hỗn hợp đất mùn trên vừa kín hạt, sau đó tưới ẩm.

Mật độ trồng: Hàng cách hàng 2m, cây cách cây 30-40cm. Mỗi sào Bắc Bộ (360m2) có thể trồng được 500-600 cây, cao gấp 3-4 lần so với trồng bí để lấy quả.

4. Bón phân và chăm sóc

Mỗi sào Bắc Bộ nên bón lót khoảng 400-500kg phân chuồng, phân hữu cơ đã được ủ hoai mục và 15 - 20kg phân lân, trước khi gieo hạt hoặc trồng cây. Nếu đất chua (pH < 6) thì cần bón bổ sung vôi bột để trung hòa độ chua của đất.

Khi cây đã bén rễ, hồi xanh hoặc có 2 - 3 lá thật nên tưới nhử bằng cách hòa 1kg đạm urê + 2kg supe lân vào nước, pha loãng để tưới quanh gốc. Khi bí có 4-5 lá thật, cây sắp ngả ngọn thì bón thúc mỗi sào 1kg đạm urê + 2-3kg NPK (loại 12:5:10 hoặc 16:16:8) để thúc cây vươn lóng và ngoi ngọn. Bón cách gốc 15 - 20cm, xới nhẹ kết hợp vun gốc cho cây.

Khi ngọn đã bò dài 60-70cm thu hoạch lứa đầu tiên bằng cách cắt tất cả các ngọn chính cách gốc 20-30cm. Sau đó, nhổ sạch cỏ dại, rạch hàng cách gốc 20-25cm, bón thúc mỗi sào 2,5-3kg đạm urê hoặc NPK (loại 12:5:10 hoặc 16:16:8). Khi các chồi gốc đã nảy mầm, ngắt bỏ những chồi nhỏ, yếu, giữ lại mỗi gốc 2-3 chồi khỏe nhất. Các lứa thu hái tiếp theo làm tương tự.

5. Phòng trừ sâu bệnh

- Một số sâu bệnh hại chính trên cây bí ngô: Ruồi đục lá, sâu ăn lá, rệp, bọ trĩ, héo xanh vi khuẩn, giả sương mai, phấn trắng, khảm lá.

- Biện pháp phòng trừ:

- Ðối với sâu hại: Áp dụng các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học. Theo dõi phát hiện sớm, khi cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu vi sinh như Bt, NPV. Phải đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Ðối với bệnh hại: Xử lý hạt giống, chọn giống kháng, dọn sạch tàn dư cây bệnh tiêu hủy.

T.K (Theo khuyennong.vn)
Bình luận
Back To Top