Khai thác tiềm năng phát triển điện năng

09:08 - Thứ Hai, 16/10/2017 Lượt xem: 7254 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, mặc dù việc phát triển hạ tầng lưới điện được quan tâm, đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, nguồn năng lượng thủy điện trên địa bàn tỉnh được đánh giá là có tiềm năng song hệ thống lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối và lưới điện nông thôn trên địa bàn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Công nhân Công ty Ðiện lực Ðiện Biên lắp đặt hệ thống lưới điện.

Hiện nay, điện năng trên địa bàn tỉnh được cấp từ 2 nguồn chính là nguồn điện quốc gia và nguồn tại chỗ. Trong đó, nguồn quốc gia thông qua 2 tuyến chính là đường dây 110kV Sơn La - Thuận Châu - Ðiện Biên (riêng tuyến 110kV Tuần Giáo - Ðiện Biên mạch đơn) và đường dây mạch kép Thủy điện Lai Châu - Tuần Giáo. Nguồn điện tại chỗ của tỉnh được cấp từ 8 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất lắp máy 120,9MW; gồm các thủy điện: Nậm He (16MW), Thác Bay (2,4MW), Nà Lơi (9,3MW), Thác Trắng (6MW), Pa Khoang (2,4MW), Nậm Mức (44MW); Trung Thu (30MW) và Nậm Núa mới phát điện hòa vào lưới điện quốc gia trong tháng 9/2017 (10,8MW). Ngoài ra, toàn tỉnh có các trạm biến áp 110kV đặt trên địa bàn huyện Tuần Giáo có công suất 1x16MVA - 110/35/22kV, trạm đặt trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có công suất (1x25+1x16) MVA - 110/35/22kV và trạm 110kV xi măng Ðiện Biên đặt tại xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) có công suất 12,5MVA - 110/6kV. Tuy nhiên, đến nay Ðiện Biên vẫn là tỉnh duy nhất trên toàn quốc chưa có liên kết mạch vòng lưới điện 110kV. Toàn tỉnh mới chỉ có 2 trạm 110kV/10 huyện, thị, thành phố (không kể trạm biến áp 110kV của khách hàng); lưới điện trung áp chủ yếu là phát triển lưới 35kV, nhiều tuyến đường dây dài trên 450km; chiều dài cấp điện của các lộ đường dây tương đối lớn. Do vậy khi xảy ra sự cố trên trục chính của đường dây thường làm mất điện trên diện rộng, thời gian sự cố kéo dài, ảnh hưởng lớn đến phát triển chung của địa phương. Nhất là đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới huyện Nậm Pồ, Mường Nhé. Trong khi đó, lưới điện 22kV chủ yếu ở TP. Ðiện Biên Phủ và một số xã lân cận thành phố, huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo. Chênh lệch công suất sử dụng điện giữa các thời điểm trong ngày rất lớn, biểu đồ phụ tải giờ cao điểm rất nhọn và số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất toàn quốc.

Ðể khai thác tiềm năng thủy điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường nguồn điện năng cho quốc gia nói chung, của tỉnh nói riêng, những năm qua tỉnh đã kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện. Việc phát triển hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, như: Vốn ngành điện: vay ADB, WB; hỗ trợ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, doanh nghiệp… Nhờ đó, trên địa bàn đã được đầu tư lưới điện 110kV, lưới trung thế đấu nối các nhà máy thủy điện với lưới điện quốc gia), các trạm biến áp (22 - 35/0,4kV), đường dây hạ thế 0,4kV và lắp đặt công tơ cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân sử dụng điện. Ðến nay, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 130/130 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia (đạt tỷ lệ 100%), số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia ước đạt 86%. Thời gian tới, ngành Ðiện lực tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện nhằm tăng cường nguồn điện năng trên địa bàn.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top