Phát triển thủy điện ở Điện Biên:

Tiềm năng và những khó khăn

11:03 - Thứ Sáu, 27/10/2017 Lượt xem: 7766 In bài viết
ĐBP - Điện Biên là tỉnh có địa hình chia cắt, sông suối nhiều và có độ chênh lệch lớn về dòng chảy, tạo ra thủy năng mạnh, thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ. Nắm bắt được cơ hội đó, trong những năm qua, tỉnh đã có chủ trương đầu tư phát triển ngành công nghiệp này. Ngoài mời gọi, thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp, tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích kích cầu các nhà đầu tư để thủy điện thực sự được phát triển tương xứng với tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo số liệu quy hoạch, tính đến tháng 9 năm 2017, toàn tỉnh có 41 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp máy là 457,2MW, trong đó 7 nhà máy thủy điện đang vận hành, khai thác có công suất 110,1MW, với tổng sản lượng điện hàng năm đạt 275.420KWh; 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện tại các chủ đầu tư đã, đang hoàn thiện thủ tục và tiến hành thi công; 17 nhà máy thủy điện được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư và khuyến khích đầu tư mới 2 dự án thủy điện trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Ngoài ra, tỉnh còn cho bổ sung thêm 4 dự án, đó là: Dự án Thủy điện Mường Luân, Chiềng Sơ 1, Chiềng Sơ 2 (huyện Điện Biên Đông) và Dự án Thủy điện Nậm Núa 2 (huyện Điện Biên), dự kiến có công suất là 43MW. Từ những thế mạnh đó, nếu được phát triển một cách đồng bộ và triệt để, với tổng công suất khoảng 500MW (gấp trên 4,5 lần so với hiện tại), thì đó sẽ là sự đóng góp lớn trong thị phần điện thương phẩm của ngành Điện tỉnh nhà.

 

Đập đầu mối thuộc Dự án Thủy điện Nậm Pay, xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công thương, các dự án trong quy hoạch phát triển đem lại động lực mới cho nền công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động khi xây dựng và lắp đặt nhà máy; sau khi vận hành đưa vào khai thác sẽ tạo được đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có thu nhập ổn định. Đặc biệt, thủy điện vừa và nhỏ là một dạng năng lượng sạch, rẻ về kinh tế, không gây tác động lớn về môi trường cũng như đời sống của người dân trong khu vực, do đa phần thủy điện đều sử dụng lợi thế của dòng chảy tự nhiên và hệ thống đập dâng. Việc khai thác diện tích mặt nước của các lòng hồ thủy điện là rất khả dụng cho phát triển du lịch, kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Thủy điện Nậm Núa, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên là một minh chứng cho tiềm năng đó; bởi sau khi tích nước lòng hồ dài hơn 7km, tạo ra diện tích mặt nước rộng, hình thành điểm du lịch sinh thái lòng hồ khu vực động Pa Thơm, là cơ hội để khai thác các lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Lào, Cống, Khơ Mú và phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản (nuôi cá lồng) như lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, Sơn La đã làm… Sự phát triển tích cực đó không chỉ là cơ hội cho nhà đầu tư, mà còn góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án thủy điện đã khởi công xây dựng đa số triển khai chậm tiến độ so với thời gian được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu và phải điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nhiều lần. Trong các dự án đang thi công, thời gian trung bình triển khai mỗi dự án kéo dài trên 7 năm; đặc biệt có dự án kéo dài trên 10 năm, như: Dự án Thủy điện Nậm Pay, Thủy điện Sông Mã 3. Đối với các dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục để khởi công (7 dự án), có những dự án kéo dài thời gian chuẩn bị lên đến 9 năm, như: Thủy điện Long Tạo, Thủy điện Mường Mươn…

Để góp phần làm rõ một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ này, chúng tôi trực tiếp đến công trường Thủy điện Nậm Pay, xã Nà Tòng (huyện Tuần Giáo). Qua tìm hiểu, được biết Dự án Thủy điện Nậm Pay khởi công từ năm 2007, do Ban Phát triển Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, nhưng sau đó phải dừng thi công do khó khăn vướng mắc về tài chính. Đến năm 2014, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục giao cho 3 đơn vị khác thi công, đó là: Công ty Cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát; Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Sông Đà; Liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Sông Đà – Công ty cổ phần đầu tư VVV. Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay nhiều lần người dân rào đường, chặn xe, ngăn đơn vị thi công công trình, vì cho rằng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Sau khi được cơ quan chức năng vận động, người dân đã chủ động tháo dỡ rào chắn, thì một doanh nghiệp lại thuê người rào đường chặn xe của các nhà thầu vào công trình thi công. Nguyên nhân do nhà thầu thi công xây dựng từ năm 2007 là Công ty TNHH Trung Hương (Hà Nội) chưa được thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư cũ; nhà thầu phụ thi công cho nhà thầu chính hiện tại chưa được thanh toán hết chi phí, nên thuê dân rào đường cản trở đơn vị thi công hiện tại, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Được biết, mỗi dự án thủy điện chậm tiến độ đều có những lý do riêng, bên cạnh những lý do chủ quan như: năng lực nhà thầu, khó khăn về tài chính, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa… còn có những lý do khách quan như: người dân ngăn cản thi công, trong mùa mưa giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến công tác vận chuyển máy móc, thiết bị của dự án… Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Điện Biên ngày 28/6 vừa qua, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị: “Đảng bộ, chính quyền tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ưu đãi thu hút đầu tư; chủ động rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để cập nhật, bổ sung các danh mục dự án đầu tư; thường xuyên bám sát tiến độ các dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Đối với doanh nghiệp, tiếp tục khắc phục khó khăn, chú trọng nâng cao chất lượng công trình, tích cực huy động nguồn lực, triển khai đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư đã đăng ký”.

Như vậy, có thể thấy rằng chủ trương và hoạch định đã rõ ràng; để công nghiệp thủy điện thực sự phát triển như kỳ vọng, đòi hỏi ngay từ bây giờ các chủ đầu tư, nhà thầu cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện các dự án đã được phê duyệt; khẩn trương hoàn thành mọi thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy điện; làm sao để công nghiệp thủy điện Điện Biên thực sự “cất cánh”, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top