Nhà nông cần biết

Phòng trừ bệnh cháy lá hại chuối

09:17 - Thứ Hai, 30/10/2017 Lượt xem: 8445 In bài viết

Triệu chứng của bệnh

- Bệnh cháy lá gây hại trên tất cả các giống chuối như: chuối tiêu, chuối tiêu hồng, chuối lá, chuối ngự... Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện tại mép của các lá già sau đến các lá bánh tẻ; giữa mô bệnh và mô khỏe thường có màu vàng đỏ. Các lá non bị nhiễm bệnh thường phát triển nhỏ lại, cong queo và có màu xanh vàng.

- Khi các lá già và lá bánh tẻ bị nhiễm bệnh, các mép lá biến màu vàng hoặc vàng đỏ sau đó các mô lá bị nhiễm bệnh bị chết biến màu nâu nhạt. Vết bệnh từ mép lá lan dần vào cuống lá làm cho toàn bộ lá bị chết khô. Lá bị bệnh, khi bị chết vẫn treo trên thân giả, đôi khi cuống lá bị gãy ở phần giữa của phiến lá. Khi bị hại nặng, vườn chuối xơ xác, giảm khả năng quang hợp và năng suất. Những cây bị hại nặng thường không trổ buồng hoặc trổ buồng không thoát, quả chuối thường nhỏ và phát triển dị dạng.

Ðặc điểm của bệnh

Bệnh cháy lá do nấm Mycosphaerella sp gây lên. Bào tử của nấm bệnh tồn tại trong đất trồng và tàn dư cây bị bệnh. Khi các mép lá của chuối bị vết thương cơ giới (do mưa giông hoặc do con trùng...) bào tử nấm có điều kiện xâm nhập và gây hại. Loài nấm cháy lá phát triển phù hợp trên những mô lá đã biến già.

Ðối với các vườn chuối trồng dày, khó thoát nước sau mưa, bón phân không cân đối và ở những nơi bị gió lớn... thường bị bệnh cháy lá gây hại nặng. Bệnh thường hại nặng vào vụ xuân hè.

Biện pháp phòng trừ

- Chọn đất trồng chuối có độ pH trung tính hoặc hơi kiềm, không nên trồng chuối trên đất chua (có độ pH < 6).

- Không nên chọn giống tại những vườn chuối đã bị nhiễm bệnh để nhân trồng. Cần phát hiện những lá bị nhiễm bệnh và kịp thời cắt tiêu hủy tránh lây lan.

- Không nên độc canh cây chuối trên cùng diện tích trong thời gian dài, nên luân canh chuối với cây trồng khác họ như: lạc, mía, bầu bí, ngô... với chu kỳ từ 3 - 4 năm.

- Hố trồng chuối cần bón lót phân chuồng kết hợp với vôi bột.

- Khi chuối chớm nhiễm bệnh, dùng một số loại thuốc: Macozeb, Zinep, Anvil, Bennomyl, Score... nồng độ từ 0,15 - 0,2% để phun trừ. Ðối với những vườn chuối bị nhiễm bệnh nặng, có thể phun lặp lại sau 7 - 10 ngày.

T.K (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top