Ðào tạo nghề nông nghiệp

“Chìa khóa” để giảm nghèo nhanh và bền vững

09:19 - Thứ Hai, 30/10/2017 Lượt xem: 6042 In bài viết
ĐBP - Ðặc thù là tỉnh có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Chính vì vậy, đào tạo hiệu quả nghề nông nghiệp được tỉnh xem là một trong những “chìa khóa” thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.

 

Nông dân xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) chăm sóc vườn rau. Ảnh: Thành Đạt

Với mục tiêu đào tạo nghề trong năm 2017 là 5.000 người; trong đó, đào tạo 50% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp (hơn 2.500 người); đào tạo 10% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị (498 người) và đào tạo 40% lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định lại nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Việc xác định, đề xuất nhu cầu đào tạo phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đào tạo cho các xã đã và đang tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới, đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, đào tạo theo địa chỉ xã, bản có mô hình thực hành. Tập trung vào ngành nghề về kỹ thuật và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; nghề trồng rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản; chế biến nông - lâm - thủy sản… cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn. Các ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Chú trọng việc tổ chức các ngành nghề đào tạo phù hợp gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có liên kết sản xuất, tiêu thụ; an toàn vệ sinh thực phẩm...

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 4.000 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp. Các nghề được lao động nông thôn lựa chọn học nhiều đó là: kỹ thuật trồng lúa, sản xuất rau an toàn, trồng và chế biến nấm, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng chè… Học viên tham gia học nghề được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất, chăn nuôi lại có sẵn có điều kiện về tư liệu sản xuất. Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Sau học nghề, người lao động tự sản xuất, làm việc trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Áp dụng kiến thức đã học trong lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, giúp người lao động cải thiện cuộc sống. Ðặc biệt, thông qua công tác đào tạo nghề, người lao động dần thay đổi nhận thức, thói quen trong canh tác, nuôi trồng sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao. Trong đó, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề ước đạt từ 70 - 80%; thu nhập của người lao động nhóm nghề nông nghiệp bình quân 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Mường Nhé, năm 2017 được giao 430 chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở khảo sát, nguyện vọng, nhu cầu đăng ký các ngành nghề của lao động địa phương, 100% số lao động đều chọn học nghề nông nghiệp, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nâng tổng số lao động được đào tạo nghề theo Chương trình 1956 sau 8 năm lên gần 4.000 lao động. Nhờ học nghề, áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, chăn nuôi; nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, không ít hộ có thu nhập tương đối khá. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có hơn 100 hộ sau khi học nghề đã ứng dụng phát triển các mô hình sản xuất lúa, ngô, chăn nuôi đại gia súc... hiệu quả, thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/hộ/năm.

Ðể nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với nghề nông nghiệp, tỉnh ta tiếp tục thực hiện việc phân cấp cho các địa phương trong công tác đào tạo; căn cứ nhu cầu thực tế để “đặt hàng” đào tạo. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn và dạy nghề, tích cực nhân rộng các mô hình sau khi đào tạo nghề đã áp dụng và mang lại hiệu quả. Kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sau đào tạo nghề.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top