Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

“Tiếp sức” cho người dân thoát nghèo

09:22 - Thứ Hai, 30/10/2017 Lượt xem: 6509 In bài viết
ĐBP - Toàn tỉnh có 5 huyện nghèo được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ là: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa. Thực hiện Chương trình 30a,  tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 17 sở, ban, ngành tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, hướng dẫn, cử cán bộ trực tiếp cùng cán bộ các huyện thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình kinh tế - xã hội làm cơ sở xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thông qua chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập theo Chương trình 30a, những năm qua, chương trình đã hỗ trợ hơn 40,3 tỷ đồng cho 28.729 hộ thực hiện chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ hơn 86.096ha rừng; hỗ trợ lần đầu giống cây trồng; hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo trồng rừng... Chương trình cũng hỗ trợ hơn 6.000 hộ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang được trên 2.107ha với kinh phí 14,27 tỷ đồng; hỗ trợ giống nông nghiệp cây trồng, giống thủy sản các loại máy móc, công cụ sản xuất bảo quản, chế biến nông sản cho hơn 32.000 hộ dân, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 16.000 con giống gia súc cho 12.000 hộ dân. Ðẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động, hỗ trợ nhân dân đi xuất khẩu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập. Ðến nay đã có 342 lao động tại 5 huyện nghèo xuất cảnh đi lao động. Ngân hàng Chính sách Xã hội các huyện nghèo đã thực hiện cho vay 60.820 lượt hộ nghèo với tổng doanh số gần 1.324 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30/6/2016 hơn 1.005,6 tỷ đồng.

 

Người dân xã Chiềng Sơ (huyện Ðiện Biên Ðông) chăm sóc đàn gia súc được cấp theo Chương trình 30a.

Chương trình 30a còn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng đặc biệt khó khăn. Trong 8 năm (2009 - 2016) chương trình đã dành hơn 972 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng gồm 170 công trình. Các công trình, dự án được đầu tư đã tạo điều kiện để các địa phương thực hiện tốt các chính sách về giáo dục và dạy nghề, giải quyết những khó khăn về nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, hệ thống giao thông phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hoá của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng nằm trong Chương trình 30a, những chính sách về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí cho người dân các huyện nghèo đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập trung tâm dạy nghề tại 4 huyện nghèo và xây dựng “Ðề án Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; cử 410 học sinh đi học cử tuyển tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thực hiện đào tạo nghề cho 14.660 lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, thanh niên dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng... Cùng với đó, chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, tri thức trẻ đối với các huyện nghèo cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. UBND tỉnh ban hành quyết định luân chuyển 8 cán bộ là trưởng, phó phòng nghiệp vụ hoặc cán bộ có trình độ đại học của các sở để tăng cường cho 4 huyện nghèo. Các huyện nghèo đã luân chuyển 36 cán bộ của huyện về đảm nhận các chức vụ chủ chốt tại các xã để tổ chức triển khai thực hiện các chính sách...

Tổng kết thực hiện các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) từ 50,01% (năm 2010) xuống còn 28,01% (năm 2015). Trong đó, tại 5 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70,44% (năm 2010) xuống còn 40,25% (năm 2015). Ðến nay xét theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tăng lên hơn 44,8%, tại các huyện nghèo gần 65%. Từ những kết quả trên cho thấy Chương trình 30a đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top