Các dự án, công trình thủy điện đều chậm!

09:31 - Thứ Năm, 02/11/2017 Lượt xem: 7168 In bài viết
ĐBP - Qua giám sát của Ðoàn Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH) tỉnh, cho thấy: việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, trong đó hầu hết các dự án, công trình Thủy điện chậm theo giấy chứng nhận đầu tư (GCNÐT); nhiều dự án, công trình kéo dài, phải gia hạn nhiều lần...

Theo kết quả giám sát, tính đến 31/12/2015 trên địa bàn tỉnh có 40 dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được UBND tỉnh và Bộ Công Thương quyết định phê duyệt quy hoạch. Thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Công Thương hàng năm tỉnh đã thực hiện công tác kiểm tra rà soát việc thực hiện quy hoạch và triển khai, thực hiện các dự án thủy điện, qua đó đã thông báo hết hiệu lực đối với văn bản của UBND tỉnh đã cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư đối với 22 dự án; gia hạn thời gian nghiên cứu khảo sát 2 dự án; đề nghị loại bỏ khỏi quy hoạch 11 dự án, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 4 dự án, bổ sung quy hoạch 4 dự án.

 

Thủy điện Nậm Pay, xã Nà Tòng (huyện Tuần Giáo) chậm tiến độ hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hoàng Ánh thi công đường ống áp lực, Thủy điện Nậm Pay. Ảnh: Văn Tâm

Việc cấp GCNÐT cơ bản chặt chẽ phù hợp với quy hoạch điện lực và tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh. Các công trình thủy điện được xây dựng không để xảy ra tình trạng vỡ đập, xả lũ bất ngờ ảnh hướng tới đời sống của nhân dân. Các công trình, dự án thủy điện được đưa vào vận hành khai thác đều có phương án đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập. Công tác thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và ổn định đời sống sản xuất cho nhân dân được quan tâm; việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cơ bản kịp thời. Với tổng sản lượng điện sản xuất giai đoạn 2014-2016 đạt 619,897 triệu kWh đã góp phần quan trọng trong phát triển KT - XH, tạo việc làm cho nhân dân, tăng nguồn điện năng của tỉnh.

Qua làm việc, giám sát trực tiếp tại các thủy điện: Huổi Vang, Nậm He, Trung Thu, Nậm Mức, Sông Mã 3 và một số ngành chức năng của tỉnh, Ðoàn ÐBQH tỉnh chỉ ra một số hạn chế, như: Việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, thu hồi đất thực hiện một số dự án, công trình thủy điện thời gian còn dài; vẫn còn tình trạng nhân dân không được cung cấp đầy đủ thông tin về việc bồi thường giải phóng mặt bằng; có hộ dân chưa đồng tình, không nhận tiền bồi thường; chưa có giải pháp, hướng đi cụ thể trong việc thực hiện chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân sau khi bị thu hồi đất; một số chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình thực hiện các dự án thuỷ điện; công tác bồi thường cho người dân của một số chủ đầu tư dự án còn chậm, ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư của người dân. Việc phối hợp giữa các ngành với UBND một số huyện, xã, với chủ đầu tư có việc chưa chặt chẽ. Tình trạng vận chuyển vật liệu xây dựng quá tải diễn ra thường xuyên đã làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, môi trường, sinh hoạt, đời sống của bà con các dân tộc vùng thực hiện dự án.

Một hạn chế ở hầu hết các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đó là chậm tiến độ theo GCNÐT, phải gia hạn điều chỉnh nhiều lần, thời gian thi công kéo dài, như: Thủy điện Nậm Mức sau 9 năm thi công mới đưa vào vận hành khai thác; Thủy điện Mùn Chung được cấp GCNÐT năm 2007, Thủy điện Sông Mã 3 được cấp GCNÐT năm 2008, Thủy điện Pa Thơm được GCNÐT năm 2009, Thủy điện Huổi Vang được cấp GCNÐT năm 2010, đến nay vẫn đang thi công; Thủy điện Mường Mươn được cấp GCNÐT năm 2012 nhưng hiện đang hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng; 3 dự án thủy điện (Nậm Pô 3, Nậm Pô 5, Mường Pồn) bị thu hồi chấm dứt hoạt động nghiên cứu, khảo sát lập dự án…

Nguyên nhân được một số chủ đầu tư đưa ra đó là do trước năm 2013 việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn; một số dự án thủy điện thay đổi nhiều chủ đầu tư và chưa có đường dây trạm biến áp 110KV để đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia. Cùng với các nguyên nhân nêu trên, Ðoàn ÐBQH tỉnh cho rằng, còn một số nguyên nhân khác như: đa phần dự án, công trình thủy điện ở địa hình phức tạp, vị trí hiểm trở, đường giao thông vận chuyển vật liệu thiết bị khó khăn, khai thác vật liệu tại chỗ còn ít. Một số chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn năng lực hạn chế dẫn đến phải thay đổi thiết kế, địa điểm xây dựng nhà máy. Sự chỉ đạo, quản lý, phối hợp của một số ban, ngành chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, có việc chưa chặt chẽ.

Qua giám sát, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, UBND tỉnh một số vấn đề về phân cấp việc cấp phép khai thác, sử dụng mặt nước; đầu tư các tuyến đường dây, trạm biến áp 110kV; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, khó khăn để đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 62/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Lê Khánh Hòa (Văn phòng Ðoàn ÐBQH tỉnh)
Bình luận
Back To Top