Thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp

09:41 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 7461 In bài viết
ĐBP - Ở xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đến gia đình chị Nguyễn Thị Thu, bản Phi Lĩnh, bởi gia đình chị có tiếng chịu khó làm ăn, tăng gia lao động sản xuất, cung ứng nông sản chất lượng nên người dân trong xã, bản ai cũng quý mến, tin yêu.

Trong ngôi nhà gỗ nhỏ gọn nhưng khá đầy đủ tiện nghi, chị Thu tâm sự: Năm 2010, chị xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Tuấn, một thanh niên ở cùng bản Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn. Do hai vợ chồng không có công việc ổn định, đất sản xuất cũng hạn hẹp, cuộc sống gia đình không hề dễ dàng với đôi vợ chồng trẻ, nhất là khi anh chị có thêm thành viên mới. Hằng ngày, để có tiền nuôi con và duy trì cuộc sống, vợ chồng chị phải bươn chải khắp nơi, ai thuê gì làm đấy nhưng cũng chỉ đủ ăn, thậm chí còn thiếu đói; trong khi đó nhà chưa có, hai vợ chồng chị phải ở nhờ bên ông bà ngoại.

 

Chị Nguyễn Thi Thu chăm sóc đàn lợn.

Nhận thấy cuộc sống quá bấp bênh, ăn không đủ no chứ chưa nói gì đến việc mua đất, làm nhà nên đến năm 2012, chị Thu bàn với chồng vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế gia đình.

Khởi đầu với sạp hàng tạp hóa và chăn nuôi lợn thương phẩm, nhưng vợ chồng chị Thu cũng khá chật vật, do khách chưa quen, việc bán hàng ế ẩm, khiến chị không xoay vòng được vốn; bên cạnh đó nguồn thức ăn chăn nuôi lại khan hiếm, cám tăng trọng vừa đắt đỏ mà không đảm bảo. Với số vốn còn lại, chị quyết định đầu tư thêm máy xay xát để phục vụ gia đình và bà con các bản lân cận. Ngoài ra, chị còn kết hợp thu mua nông sản, nấu rượu ngô để tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn từ cám, bã rượu, đàn lợn của gia đình chị Thu không những lớn nhanh mà chị cũng không phải mất tiền mua cám tăng trọng hay vất vả lên rừng chặt cây chuối về nuôi lợn như trước nữa.

Theo kinh nghiệm của chị Thu, hằng ngày chị chuẩn bị cám và rau sẵn để khi kết thúc một nồi rượu là chị lại đổ toàn bộ số rau, cám vào nồi bỗng rượu, trộn đều lên rồi đậy vung lại ủ cho hỗn hợp thức ăn nhừ nhuyễn là có thể đem ra cho lợn ăn mà không phải mất thời gian đun nấu. Bỗng rượu ngô là nguồn thức ăn rất dễ tiêu hóa, không chỉ khiến đàn lợn ăn ngon mà còn kích thích tiêu hóa và phát triển tốt.

Sau gần 5 năm lao động cần mẫn, không những trả được nợ ngân hàng mà gia đình chị Thu còn có thêm vốn để mở rộng cửa hàng tạp hóa và chuồng trại chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Nếu như trước đây chị Thu chỉ nuôi 10 - 15 con lợn thịt, thì nay mỗi năm chị nuôi 4 lứa, mỗi lứa 40 – 50 con. Cùng với đó, mỗi ngày chị nấu 30 – 40kg rượu ngô để vừa có nguồn thức ăn chăn nuôi và có rượu cung cấp ra thị trường.

Xác định chăn nuôi lợn “sạch” và nấu rượu “sạch”, bán những sản phẩm có chất lượng là mục tiêu phát triển lâu dài; chính vì vậy, sản phẩm, hàng hóa gia đình chị Thu luôn được các thương lái và người dân trong vùng tin tưởng lựa chọn; gia đình chị còn có một lượng khách hàng ổn định ở thành phố Điện Biên Phủ và Hà Nội thường xuyên đặt mua với số lượng lớn, như: Rượu ngô, gạo séng cù, lợn thương phẩm… Nhờ cần cù chịu khó tăng gia lao động sản xuất, chất lượng hàng hóa đảm bảo, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị Thu thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi kết hợp.

Ông Vàng A Minh, Trưởng bản Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), cho biết: “Vợ chồng chị Thu tuy còn trẻ nhưng giỏi lắm, suốt ngày chăm chỉ làm ăn, không chơi bời như những thanh niên khác. Trong bản nhà ai khó khăn là nhà chị Thu lại giúp đỡ, lúc thì cho vay vốn, lúc truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi sản xuất nên trong xã, bản ai cũng quý mến”.

Từ một hộ nghèo nhất bản Phi Lĩnh, không đất, không nhà đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Thu đã mua được đất, làm được nhà ở; không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn trở nên khá giả nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top