Nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm

Giúp chị em gắn bó với nghề thổ cẩm truyền thống

10:07 - Thứ Hai, 18/12/2017 Lượt xem: 8335 In bài viết
ĐBP - Sau một thời gian hoạt động, các hội viên Hợp tác xã (HTX) Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) phải đối mặt với khó khăn trong việc xoay vòng vốn, bởi đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, nhiều mặt hàng tồn kho. Ðể giúp chị em tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã nhận ủy thác vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm (vốn 120) tổng số tiền 200 triệu đồng cho 10 chị em trong HTX. Nguồn vốn ưu đãi này không chỉ giúp các hội viên đầu tư mua sắm đồ dùng, nguyên, phụ liệu thêu dệt thổ cẩm, duy trì hoạt động của HTX mà còn là sự động viên tinh thần lớn để các chị luôn giữ nhiệt huyết với nghề.

 

Xã viên HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển may các sản phẩm từ thổ cẩm. Ảnh: Thành Ðạt

Bà Vì Thị Phong, Chủ nhiệm HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, cho biết: “HTX có 30 thành viên, hầu hết chị em đều có nhu cầu vay vốn để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên do nguồn vốn phân bổ có hạn nên chỉ có 10 chị hoạt động tích cực, làm ra nhiều sản phẩm nhất được ưu tiên vay với số tiền 20 triệu đồng/hội viên. Sau khi nhận tiền, các chị em đều đầu tư mua sợi, chỉ màu, các chi tiết giúp trang trí cho sản phẩm”. Có đủ nguyên, phụ liệu cần thiết, HTX không chỉ tiếp tục sản xuất các mặt hàng, đặc trưng của dân tộc Thái như: Khăn Piêu, túi Thái, quần áo truyền thống, đệm ngồi… mà còn tìm tòi, tự thiết kế ra nhiều mẫu mã mới. HTX đã thử nghiệm làm một số mặt hàng thêu dệt đang được thị trường ưa chuộng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thêm sự lựa chọn cho khách hàng, như: Khăn thêu hoa văn dân tộc Lào, khăn rằn, các loại túi thời trang… Lô khăn rằn dệt sợi thủ công đầu tiên làm ra mềm mịn, không nhăn, được khách hàng đánh giá cao và đặt hơn 100 chiếc; những chiếc túi thổ cẩm độc đáo do tự tay chị Vì Thị Phong thiết kế làm ra đến đâu bán hết đến đấy khiến các hội viên phấn khởi và tích cực hơn.

Ðến nay, khó khăn của HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển vẫn là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhưng chị em không có tư tưởng rời khỏi HTX mà luôn gắn bó, cùng nhau phát triển nghề truyền thống của dân tộc. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, buổi tối hay lúc nông nhàn, các chị vẫn miệt mài bên khung dệt, giỏ kim chỉ để làm ra những sản phẩm đẹp mắt, chất lượng. Hầu hết các sản phẩm này được tập hợp chung lại, HTX có trách nhiệm kết nối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, chuyển gửi các cơ sở kinh doanh, quầy hàng lưu niệm tại các điểm di tích để giới thiệu và bán sản phẩm. Mặc dù đây là việc làm tranh thủ lúc nhàn rỗi, nhưng mỗi hội viên có thêm 1 - 2 triệu đồng/tháng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà Lò Thị Pánh - tham gia HTX từ những ngày đầu mới thành lập, chia sẻ: Sản phẩm làm ra không bán được ngay nên hết vốn mua đồ thêu dệt sản phẩm mới. Vì vậy nhiều khi tôi cũng cảm thấy nản. Nhờ vốn vay ưu đãi 120, tôi như được sốc lại tinh thần, an tâm tiếp tục tham gia các hoạt động của HTX. Hiện giờ, doanh thu từ sản phẩm thêu dệt thủ công của tôi là gần 2 triệu đồng/tháng. Cùng với chăn nuôi, trồng lúa, bán hàng tạp hóa nguồn thu này giúp gia đình tôi có cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn.

Gần 1 năm nữa, số vốn mà các hội viên HTX bản Mển vay sẽ đến kì trả nợ. Nguyện vọng của chị em là được tiếp tục vay vốn và sẽ thêm nhiều hội viên có thể tiếp cận với vốn vay ưu đãi, đề đầu tư nâng cao chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm mới được thị trường đón nhận, yêu thích, được nhiều người biết đến và có những đối tác ổn định, chắc chắn.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top