Làm giàu từ mô hình nông - lâm kết hợp

10:35 - Thứ Sáu, 22/12/2017 Lượt xem: 7688 In bài viết
ĐBP - Với bản tính cần cù chịu khó, ông Nguyễn Hữu Thụy (57 tuổi) bản Trung Dình, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) đã tìm hướng phát triển kinh tế gia đình bằng việc chăm sóc và bảo vệ rừng, kết hợp chăn nuôi gia súc, vươn lên làm giàu chính đáng và được UBND tỉnh tặng Bằng khen là nông dân điển hình.

Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà khang trang giữa lưng đèo Ma Thì Hồ, ông Nguyễn Hữu Thụy, cho biết: Ông từng là cán bộ Lâm trường Đặc sản Điện Biên, đến năm 2007 ông được nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước. Nhưng dường như màu xanh của những cánh rừng đã trở thành một phần của cuộc sống không thể rời xa, nên ông quyết định không về quê hương Thái Bình như dự định mà ở lại gắn bó với vùng đất này.

 

Từ 10 con bò sinh sản, đến nay đàn bò của gia đình ông Nguyễn Hữu Thụy đã lên đến hàng trăm con.

Cuối năm 2007, khi Nhà nước có chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện chính sách giao đất giao rừng, ông Thụy đã mạnh dạn nhận chăm sóc và bảo vệ 5ha rừng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Do không có vốn nên ông phải bán đi hai chỉ vàng đã tích cóp từ lâu, vay mượn thêm anh em, bạn bè được 100 triệu đồng, ông mua 10 con bò, 15 con dê sinh sản và 20 con gà đồi để chăn thả dưới tán rừng; đồng thời làm lán trại ngay dưới tán rừng để thuận tiện cho việc bảo vệ rừng và sản xuất, chăn nuôi. Tận dụng nguồn nước chảy tự nhiên dưới chân đồi gần đó, ông Thụy đắp đập, ngăn khe thả cá, vừa là để phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa cung cấp ra thị trường tăng thêm thu nhập. Khi đã có thu nhập từ những sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Hữu Thụy tiếp tục đầu tư nuôi thả 5 tạ giống cánh kiến đỏ trên chính 5ha rừng phòng hộ mà ông nhận khoán.

Theo kinh nghiệm của ông Thụy, cánh kiến đỏ không tốn công sức chăm sóc mà chúng phát triển tự nhiên trên những cây rừng thích hợp; nhất là với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Huổi Lèng. Đặc biệt, phát triển kinh tế theo mô hình nông - lâm kết hợp rất thuận lợi, vừa tuần tra, bảo vệ để rừng không bị chặt phá, vừa có lợi thế chăn thả gia súc, gia cầm dưới tán rừng là tận dụng được nguồn thức ăn trong thiên nhiên, như: Dê ăn các loại lá cây, còn đối với bò chỉ tập trung khu bãi trống và bìa rừng để ăn cỏ; gà đồi lại càng thích hợp với môi trường này vì có không gian thoáng đãng để phát triển và cho thịt săn chắc. Đặc biệt ưu điểm lớn trong chăn thả vật nuôi tự nhiên dưới tán rừng là không mất nhiều thời gian chăm sóc, đảm bảo môi trường sống, phát triển mạnh, ít dịch bệnh và sinh sản đều; đối với bò sinh sản mỗi năm đẻ một lứa, còn dê là mỗi năm hai lứa.

Nhờ có môi trường thuận lợi, chăm sóc tốt, đến nay đàn bò gia đình ông Thụy đã phát triển lên đến gần 100 con; đàn dê trên 100 con và gà đồi cũng phát triển gần 500 con. Đối với cánh kiến đỏ, cho thu hoạch từ 2 – 3 tạ nhựa mỗi năm. Từ mô hình phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp, trung bình mỗi năm gia đình ông Nguyễn Hữu Thụy thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng, không chỉ trả hết nợ mà còn trở nên giàu có, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 7 – 10 lao động trên địa bàn.

Ông Hạng Sa Lồng, Trưởng bản Trung Dình, xã Huổi Lèng, cho biết: Ông Nguyễn Hữu Thụy là một đảng viên gương mẫu, nuôi dạy con cái thành đạt; luôn đi đầu trong lao động sản xuất, giúp đỡ nhiều gia đình trong bản về  giống vật nuôi và kinh nghiệm phát triển sản xuất; được mọi người trân trọng, quý mến và được UBND tỉnh tặng Bằng khen là nông dân điển hình của bản Trung Dình, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top