Để công trình thủy lợi phát huy hiệu quả sau đầu tư

16:01 - Thứ Tư, 27/12/2017 Lượt xem: 7430 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, huyện Tủa Chùa đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Đa số các công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng đã đáp ứng nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, để những công trình này thực sự phát huy hiệu quả sau đầu tư, ngoài việc chú trọng chất lượng xây dựng, thì việc chủ động trong quản lý khai thác vận hành và duy tu, bảo dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Công trình thủy lợi Tân Phong, xã Mường Báng có chiều dài trên 3,2km, được đầu tư xây dựng từ năm 2010, với số tiền trên 5 tỷ đồng, theo nguồn vốn 30a. Cho đến nay, công trình đã và đang đảm bảo điều tiết đủ lượng nước tưới tiêu cho hơn 40ha lúa 2 vụ. Ông Điêu Chính Vín, cán bộ quản lý thủy nông xã Mường Báng, cho biết: Để phát huy hiệu quả thì ngay khi bàn giao công trình, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn chúng tôi cách quản lý khai thác, vận hành và định kỳ kiểm tra, đánh giá. Việc bảo vệ, tu sửa được phân công và giao cụ thể cho từng nhóm dân cư. Trước mỗi mùa vụ, các khu dân cư phân công nhân lực tiến hành nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy, nên công trình luôn được đảm bảo vận hành tốt.

 

Các công trình thủy lợi cung cấp nước tưới đảm bảo nhu cầu sản xuất của bà con. Trong ảnh: Người dân xã Mường Báng làm đất để chuẩn bị cho vụ chiêm.

Với tổng diện tích khoảng 200ha lúa nước, Mường Báng được xem là vựa lúa của toàn huyện Tủa Chùa. Hiện nay xã có 8 công trình thủy lợi đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa của xã. “Nếu như trước đây, người dân trong xã chỉ sản xuất được 1 vụ, năng suất lúa lại không cao, thì nay nhờ được đầu tư xây dựng và làm tốt công tác quản lý, nên bà con đã chuyển từ sản xuất lúa 1 vụ sang làm 2 vụ, có năm xen canh được 3 vụ. Từ đó, năng suất lúa tăng cao nên vấn đề an ninh lương thực luôn được đảm bảo” – ông Vín thông tin thêm.

Xác định sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa nước là thế mạnh của địa phương, nên việc đầu tư các công trình thủy lợi luôn được huyện Tủa Chùa quan tâm chú trọng. Nếu như năm 2014, toàn huyện có 66 công trình thủy lợi, thì đến nay con số này đã được nâng lên 73 công trình. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, do việc quản lý, vận hành sau đầu tư thiếu quan tâm nên một số công trình nhanh chóng xuống cấp hoặc hư hỏng sau mưa lũ, dẫn đến thiếu hiệu quả và lãng phí. Vài năm trở lại đây, cùng với việc nâng cao chất lượng xây dựng, để các công trình thực sự phát huy hiệu quả, UBND huyện tăng cường công tác chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên hướng dẫn người dân trong việc vận hành, khai thác; kết hợp kiểm tra, rà soát xử lý kịp thời những công trình bị sụt lún, hư hỏng, tắc nghẽn dòng chảy... Nhất là sau mỗi đợt mưa lũ đều tổ chức các tổ công tác phối hợp địa bàn tiến hành kiểm tra thực địa, thống kê, phân loại. Đối với đơn vị quản lý thủy nông cấp xã, chủ động tiến hành duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, phát dọn, sửa chữa định kỳ những hư hỏng nhỏ, đảm bảo nước tưới cho sản xuất của người dân. Đồng thời, trên cơ sở đó cũng có báo cáo, tham mưu các cấp lên kế hoạch sửa chữa, tu sửa đối với những thiệt hại, hư hỏng lớn.

Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Ngoài trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, để chủ động trong quản lý, các công trình thủy lợi sau đầu tư đều được bàn giao cho UBND các xã, tổ quản lý thủy nông, cộng đồng thôn bản quản lý, bảo dưỡng và vận hành. Hiện nay trên địa bàn huyện đã thành lập được Ban Quản lý thủy nông cấp huyện, 12 tổ quản lý thủy nông tại 12 xã, thị trấn, trực tiếp quản lý, vận động người dân bảo dưỡng, duy tu thường xuyên, đảm bảo các công trình được vận hành thông suốt.

Nhờ đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, và đặc biệt là làm tốt công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng trong những năm gần đây, nên hàng năm người dân trên địa bàn huyện còn khai hoang, phục hóa thêm được hàng chục héc ta ruộng bậc thang mới. Song song với đó, đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 2.344ha lúa nước hiện có (trong đó 474ha lúa chiêm và 1.870ha lúa mùa), với năng suất lúa chiêm tăng 6,5tạ/ha, lúa mùa tăng 11,5 tạ/ha so với năm 2010; 4ha ao hồ nuôi thủy sản... Thông qua đó, vấn đề an ninh lương thực được đảm bảo hơn, thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất tăng lên, góp phần hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương, người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top