Trồng rừng sản xuất hướng đi lâu dài

08:52 - Thứ Sáu, 05/01/2018 Lượt xem: 6858 In bài viết
ĐBP - Hiện xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) có 3.044 nhân khẩu, sinh sống tại 10 bản; trong đó, 4 bản vùng cao. Ðược đánh giá là 1 trong 10 xã có địa hình đồi núi dốc, nguy cơ sạt lở cao của tỉnh, Nặm Lịch chỉ có 76ha lúa nước, còn lại là đất dốc rất khó khăn trong khai hoang. Cấp ủy, chính quyền xã Nặm Lịch nhận định, trồng rừng sản xuất là hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngay từ đầu năm 2016, chính quyền xã Nặm Lịch triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương trồng rừng đến từng thôn bản, từng hộ dân. Xã phân công cán bộ, công chức, trưởng bản, bí thư chi bộ, mỗi người phụ trách tuyên truyền, giúp đỡ 1 hộ dân. Theo đó, người được phân công phụ trách phải thường xuyên đến hộ dân có đất trong diện tích quy hoạch trồng rừng để vận động, đôn đốc và theo dõi trong suốt quá trình trồng, chăm sóc đến khi cây sinh trưởng, phát triển ổn định.

 

Cán bộ xã Nặm Lịch và các đoàn thể giúp người dân đào hố trồng rừng và phát dọn thực bì.

Năm 2017, xã Nặm Lịch được giao trồng 50ha rừng sản xuất tập trung. Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của chính quyền, sự đồng thuận của người dân nên toàn xã đã trồng được 61,7ha, hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt, có nơi đã cao gần 3m. Theo kế hoạch năm 2018, huyện giao chỉ tiêu cho xã Nặm Lịch trồng 40ha nhưng xã dự kiến và vận động người dân đăng ký trồng 55ha. Với cách làm linh hoạt, ngoài việc mỗi cán bộ được phân công giúp 1 hộ dân, UBND xã Nặm Lịch còn huy động toàn bộ cán bộ, công chức, công an viên các bản, đoàn viên thanh niên ra quân giúp người dân phát dọn thực bì vào những đợt cao điểm. Sau khi xuống giống, UBND xã tiếp tục thành lập các đội “gác rừng” không để người dân chăn thả gia súc ở khu vực rừng mới trồng.

Ông Vương Ðình Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch cho biết: Khi triển khai công tác trồng rừng cũng gặp không ít khó khăn, nhiều hộ chưa mặn mà vì trồng rừng không đem lại lợi ích trước mắt. Chúng tôi cử cán bộ thường xuyên tuyên truyền đến từng thôn bản, từng nhà; tìm hiểu, giải thích, giúp người dân hiểu được lợi ích lâu dài của rừng. Hơn 10 cán bộ, công chức xã sinh sống tại 4 bản có diện tích trồng rừng theo kế hoạch cũng tích cực vận động gia đình mình tham gia, đi đầu làm gương cho bà con trong bản. Với sự nỗ lực của chính quyền, 69 gia đình đã đăng ký trồng rừng tập trung với diện tích 61,7ha, vượt hơn 20% chỉ tiêu đề ra.

Quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền xã Nặm Lịch trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện thực tế địa phương đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Từ những thành công ban đầu, Nặm Lịch sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng sản xuất trong những năm tới góp phần bảo vệ môi trường, tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bài, ảnh: Thành Chương
Bình luận
Back To Top