Sau 25 năm Dự án Trồng quế ở Tuần Giáo

Khó vẫn hoàn khó

08:44 - Thứ Năm, 10/05/2018 Lượt xem: 8346 In bài viết
ĐBP - Trong chuyến đi thực tế tại huyện Tuần Giáo mới đây, lần đầu tiên chúng tôi nghe nói trên địa bàn huyện có một số xã trước kia từng đưa cây quế vào trồng. Lần theo những thông tin có được, chúng tôi tìm về xã Chiềng Sinh để tìm hiểu quy trình trồng quế, những thăng trầm của cây quế, nhất là nỗi niềm người trồng quế....

Sau khi nghe chúng tôi đề đạt nguyện vọng, ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh, cho người đưa đến gia đình ông Chu Văn Các (68 tuổi) ở bản Chiềng An. Gia đình ông Chu Văn Các là một trong những hộ trồng quế theo Chương trình trồng rừng 327 của Lâm trường Tuần Giáo trước kia. Ông dẫn chúng tôi lên đồi quế sau nhà, cho biết: “Trước đây Lâm trường Tuần Giáo triển khai Dự án trồng quế, gia đình tôi được giao trồng thí điểm 0,5ha, giống do Lâm trường cấp. Năm 2006, khi quế được thu hoạch, gia đình đã bán toàn bộ vỏ quế cho tư thương ở Yên Bái đến tận nơi thu mua. Thân gỗ to thì tận dụng làm đồ gỗ, còn chủ yếu là bán củi”.

 

Ông Chu Văn Các, bản Chiềng An, xã Chiềng Sinh giới thiệu cách nhận biết cây quế.

Hiện nay, đồi quế của gia đình ông Các chỉ còn vài trăm cây tái sinh chứ không trồng mới. Ngày trước, bản Chiềng An có 3 hộ được Lâm trường Tuần Giáo giao trồng quế thí điểm. Sau đợt thu hoạch đầu tiên không ai trồng nữa. Theo ông Chu Văn Các, trước đây thực hiện Chương trình trồng rừng 327, Lâm trường Tuần Giáo lên Yên Bái để tìm hiểu cây quế, lúc này cây quế ở Yên Bái rất phát triển, họ làm khá tốt. Từ đó Lâm trường đưa cây quế về áp dụng trên địa bàn Tuần Giáo. Nguyên nhân cây quế không thành công trên đất Tuần Giáo là do không tìm được đầu ra ổn định. Người trồng tự lo liệu nguồn tiêu thụ.

Theo giới thiệu của ông Chu Văn Các, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lò Văn Túi (70 tuổi), nằm cuối một con hẻm ở bản Ngúa, xã Quài Tở. Ông Túi cho biết: Hiện ông không nhớ toàn huyện Tuần Giáo trước đây trồng bao nhiêu héc ta quế, nhưng ông khẳng định diện tích trồng quế của huyện là rất nhiều, tập trung ở thị trấn. Có những hộ trồng 9ha (gồm cả diện tích trồng theo Chương trình 327 và diện tích tự trồng),

Gia đình ông Túi trồng tổng diện tích 5ha quế, trong đó 2,6ha trồng theo Chương trình 327 do Lâm trường Tuần Giáo giao từ những năm 1993, số còn lại do gia đình mua giống ở Yên Bái về trồng. Diện tích quế trồng theo Chương trình 327 đến năm 2016 đã thu hoạch hết. Diện tích gia đình tự trồng cũng đã thu hoạch lần 2. Hiện tại gia đình vẫn đang duy trì hơn 1ha quế trồng mới (thời gian trồng mới được 5 năm). Ông Túi cho biết, ngày trước đất đồi, bãi hoang của gia đình có nhiều nên ngoài diện tích quế Lâm trường giao, ông mua thêm cây giống về trồng để phủ xanh đất trống là chính. Vì lúc đó không biết trồng cây gì và không biết đầu ra sẽ ra sao? Ðến khi thu hoạch quế thì đầu ra gia đình tự lo. Chủ yếu bán cho tư thương ở Tuần Giáo.

Ông Túi kể: “Từ khi cây quế được thu hoạch đến nay, gia đình tôi mất trộm hàng nghìn cây. Có đêm tới gần 100 cây quế đường kính từ 25 - 30cm bị bóc vỏ nham nhở một nửa phần thân dưới gốc, những cây còn non chưa thu hoạch được cũng phải chặt bỏ. Gia đình mót lại phần trên, cây đem về làm củi. Trong bản có 7 hộ trồng quế thì 5 hộ đã phải phá bỏ vào năm thứ 6 vì bị đẽo vỏ, cây chết. Một héc ta quế cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng, nhưng do mất cắp, mất trộm nên các hộ phải chặt bán chỉ được vài triệu. Bản đã cho người phục vây bắt nhưng rừng rậm không thể làm gì được. Báo chính quyền xã, công an huyện nhưng cũng chẳng có giải pháp nào hữu hiệu?”.

Theo ông Túi, Dự án trồng quế không thành công, bởi Lâm trường không đứng ra thu mua mà chủ yếu dân tự lo, mạnh ai nấy bán, bán cho tư thương qua nhiều cầu nên giá rất rẻ… “Hiện nay, những hộ còn quế ở Tuần Giáo chủ yếu trồng tự phát, mục đích là phủ xanh đất trống. Nếu Nhà nước tiếp tục đầu tư, có định hướng thì tôi tin dân vẫn nhận trồng, bởi diện tích đất bỏ hoang còn nhiều” - Ông Túi nói.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, đầu năm 1993, một nhóm cán bộ Lâm trường Tuần Giáo, thuộc huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu cũ) đi các tỉnh: Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang... để tiếp thu kỹ thuật trồng quế với hy vọng “sau mười năm, mỗi cây quế là một cây vàng”. Và rồi rất nhanh, hàng trăm héc ta rừng nghèo được gần trăm hộ dân ở Thị trấn Tuần Giáo và các xã: Tênh Phông, Chiềng Sinh... triển khai trồng quế; rồi cây quế bén rễ với hy vọng “đổi đời” của rất nhiều hộ dân. Ðể biết chính xác diện tích cây quế trên địa bàn huyện Tuần Giáo, chúng tôi đến Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo - đơn vị tiền thân là Lâm trường Tuần Giáo. Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý, cho biết: “Lâm trường Tuần Giáo trước kia được chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo từ năm 2007, theo Quyết định 157/QÐ-UBND, ngày 8/2/2007 của UBND tỉnh Ðiện Biên. Bởi đơn vị đã trải qua nhiều đời giám đốc nên tôi cũng không thể nắm được diện tích quế trên địa bàn huyện Tuần Giáo là bao nhiêu”.

Ðồng chí Giám đốc đã giao cho chị Lê Thị Thu Hương, kế toán của đơn vị thống kê lại toàn bộ diện tích quế đã quyết toán theo Chương trình trồng rừng 327. Làm việc với chị Lê Thị Thu Hương, được biết chị mới chuyển công tác về đơn vị được một thời gian nên phải chờ lục lại hồ sơ quyết toán. Theo số liệu quyết toán trên sổ sách chị Hương thống kê được, thì Tuần Giáo có 12,2ha trồng quế theo Chương trình 327, còn số diện tích quế mà người dân tự mua giống về trồng thì chị không nắm được.

Sau 25 năm (1993 - 2018), những tưởng cây quế giúp “đổi đời” người trồng quế, ai ngờ khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Cán bộ Lâm trường phát động trồng xong và thế là “hết trách nhiệm”, để mặc người nông dân loay hoay mà không biết làm gì cho tốt hơn, hiệu quả hơn. Theo chúng tôi, nếu có đầu ra cho sản phẩm, thì cây quế không chỉ là loại cây hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp phủ xanh đất trống đồi trọc.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top