Bản Ðoàn Kết giữ rừng

08:54 - Thứ Sáu, 01/06/2018 Lượt xem: 8981 In bài viết
ĐBP - Bản Ðoàn Kết (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) được giao quản lý, bảo vệ 3.505ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và đặc dụng. Toàn bộ diện tích rừng của bản nằm trong lưu vực Sông Ðà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống. Những năm qua, người dân bản Ðoàn Kết luôn tập trung bảo vệ rừng và được hưởng những nguồn lợi chính đáng từ rừng.

Bản Ðoàn Kết có 120 hộ dân người dân tộc Hà Nhì, chia thành 2 nhóm sống tập trung bên con suối Nậm Ma. Bản có vị trí thuận lợi, diện tích rừng và trữ lượng rừng lớn nên đây là nơi được rất nhiều người di cư tự do để ý và chọn làm điểm đến. Khoảng 5 năm trước, người dân bản Ðoàn Kết còn phá rừng làm nương, chưa có ý thức quản lý, bảo vệ rừng và để người di cư tự do vào địa bàn phá rừng, làm nương. Do đó, diện tích rừng của bản Ðoàn Kết nói riêng và xã Chung Chải nói chung giảm theo từng năm. Nhưng từ năm 2013, khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai tại xã Chung Chải, thì ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phối hợp với chính quyền xã, lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn được nâng lên.

 

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Mường Nhé tuyên truyền các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Hiện nay, bản Ðoàn Kết được 2 đơn vị giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Ðó là: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh với 1.046ha rừng phòng hộ và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với 2.459,9ha rừng đặc dụng. Bình quân mỗi năm, người dân bản Ðoàn Kết được chi trả từ 9 - 12 triệu đồng/hộ/năm (tùy đơn giá từng năm). Ông Giàng Hờ Sinh, Trưởng nhóm 2, bản Ðoàn Kết cho biết: Số tiền dịch vụ môi trường rừng người dân nhận được hàng năm giá trị bằng 2 - 2,5 lần so với sản xuất trên nương. Do đó, từ năm 2013 đến nay, 100% hộ dân đều có ý thức, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng để được hưởng lợi từ rừng.

Bản Ðoàn Kết thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 8 người. Hàng năm, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng đại diện bản ký cam kết bảo vệ rừng với UBND xã, Hạt Kiểm lâm huyện và Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Ngay từ đầu năm, sau khi UBND xã ban hành kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng thì bản Ðoàn Kết cũng xây dựng kế hoạch, lịch trình tuần tra, bảo vệ và phát triển rừng của năm đó. Trong đó, bản xác định 2 nhiệm vụ quan trọng: Ngăn chặn dân di cư vào địa bàn và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát rừng. Ðể ngăn chặn dân di cư tự do, bản thực hiện tốt công tác quản lý, nhân khẩu, hộ khẩu. Nếu phát hiện có người lạ vào địa bàn báo cáo kịp thời với UBND xã hoặc các lực lượng chức năng đóng chân trên địa bàn. Nhờ đó, những trường hợp người lạ vào bản được quản lý rất chặt, ngăn chặn kịp thời những đối tượng di cư tự do có ý phá rừng làm nương. Tổ bảo vệ rừng của bản Ðoàn Kết thường xuyên tổ chức đi tuần tra, kiểm soát rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng, cháy rừng. Tổ bảo vệ rừng đi tuần tra 1 lần/tuần, mùa cao điểm phá rừng, cháy rừng đi tuần tra 2 lần/tuần; phối hợp với kiểm lâm địa bàn và bảo lâm xã tuần tra 1 lần/tuần; phối hợp với Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tuần tra rừng đặc dụng 2 lần/tháng. Nhờ đó, những năm gần đây, rừng của bản Ðoàn Kết luôn được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy rừng, tình trạng phá rừng làm nương giảm đáng kể. Ngoài tích cực quản lý, bảo vệ rừng, bản Ðoàn Kết còn thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc rừng sản xuất. Ông Vàng Xoan Lèn, người dân bản Ðoàn Kết cho biết: Mỗi năm gia đình tôi nhận được từ 9 - 11 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ðặc biệt, năm 2017, do mức chi trả nâng lên nên tôi nhận được 14 triệu đồng. Ðây là số tiền rất lớn, giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống. Ngoài hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước, rừng còn cho người dân nhiều lâm sản phụ có giá trị như: mật ong, thảo dược… Nhận thức những nguồn lợi của rừng mang lại, tôi luôn ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng bằng những việc thiết thực nhất, như: Vận động con cháu, anh em, họ hàng cộng đồng trách nhiệm bảo vệ rừng; tham gia 100% chuyến tuần tra rừng của tổ bảo vệ; kịp thời, chủ động báo tin cho trưởng bản, kiểm lâm địa bàn nếu phát hiện các hành vi xâm hại rừng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top