Những thành quả bước đầu

09:04 - Thứ Tư, 06/06/2018 Lượt xem: 9559 In bài viết
ĐBP - Sau 3 năm (2015 - 2017) thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh ta đã đạt được kết quả khá toàn diện. Cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới, đã hình thành và phát triển nhiều mô hình liên kết sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

 

Khách hàng tham quan các sản phẩm sữa từ gạo lứt của Công ty TNHH Thực phẩm nông sản sinh thái Ðiện Biên. Ảnh: Tuấn Anh

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1399/QÐ-UBND ngày 18/12/2015 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Sau 3 năm triển khai thực hiện, về cơ bản ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực sự thay đổi. Ðiều dễ nhận thấy là giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng đáng kể (tăng 3,23%/năm). Cơ cấu kinh tế nội ngành đã từng bước chuyển dịch theo đúng định hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Nếu như năm 2014, tổng giá trị sản phẩm theo giá hiện hành 2.585 tỷ đồng, thì đến năm 2017 con số đó đã tăng lên hơn 2.842 tỷ đồng (tức tăng gần 257 tỷ đồng)…

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tập trung vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng cánh đồng lớn… Ðến nay, mô hình cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được hình thành. Nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng. Hình thành liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người dân đối với một số mặt hàng chủ lực như: Lúa gạo, cà phê, chè, dứa… Trong đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư theo mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn như: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Công ty TNHH Thực phẩm nông sản sinh thái Ðiện Biên; Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green. Ðặc biệt, sản phẩm gạo đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký quét mã truy xuất nguồn gốc (mã QR) giúp kiểm soát được sản phẩm chính hãng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo Ðiện Biên. Tính đến năm 2017, diện tích lúa ruộng đạt gần 27.000ha, tăng gần 1.500ha; sản lượng gần 146.000 tấn, tăng gần 7.700 tấn so với năm 2014. Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi tập trung chuyển mạnh chăn nuôi sang hình thức trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ mới có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với hệ thống giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu đàn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định. Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chú trọng việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ðến nay đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình trang trại quy mô lớn theo hướng hiện đại. Ðiển hình như: Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Huy Toan; Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Việt Trung; Công ty Cổ phần Chăn nuôi Uva Ðiện Biên… Theo đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2017 đạt 1.293 tỷ đồng, tăng 219 tỷ đồng so với năm 2014 (1.073 tỷ đồng).

Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Mặc dù thực tế vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, song nhìn chung, việc thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn toàn tỉnh đã được chú trọng và phát triển toàn diện cả về chất và lượng. Nét nổi bật sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là người dân đã bắt đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong giai đoạn 2018 - 2020, ngành xác định xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, phát huy lợi thế của tỉnh, từng tiểu ngành trong hệ thống nông nghiệp bền vững để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top