Mở đường giao thông ở Tìa Dình

Khi người dân đồng thuận

08:33 - Thứ Năm, 07/06/2018 Lượt xem: 8408 In bài viết
ĐBP - Ðường vào xã Tìa Dình, huyện Ðiện Biên Ðông ngay từ thời điểm chớm mùa mưa đã trở nên lầy lội, đi lại rất khó khăn. Ðây là vấn đề có thể nói không mấy xa lạ, bởi tuyến Mường Luân - Háng Lìa - Tìa Dình vốn nổi tiếng là hiểm trở. Thậm chí, theo như anh cán bộ xã chia sẻ với chúng tôi thì: Ở địa bàn, chúng tôi xác định từ đầu mùa khô đến giữa tháng 5 hàng năm là “cơ hội cuối” để những chiếc xe “cõng mình” một cách suôn sẻ, còn vào mùa mưa là lúc chúng ta sẵn sàng… “cõng” lại nó!

 

Người dân bản Háng Sua góp ngày công làm đường nông thôn mới.

Chia sẻ với chúng tôi về điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, anh Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Xã còn rất nhiều khó khăn khi là địa bàn xa xôi, với 2/3 ranh giới hành chính giáp với các xã của 2 huyện: Sốp Cộp và Sông Mã (tỉnh Sơn La). Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 70%) cũng bởi điều kiện hạ tầng thấp kém, cách trở địa lý, tiếp cận thông tin, dịch vụ xã hội ở địa phương còn rất hạn chế (theo chuẩn nghèo đa chiều). Ðặc biệt là hạ tầng về điện, đường khi 10/14 bản chưa có điện lưới quốc gia, cả xã chỉ có chừng 200m đường bê tông thuộc bản Chua Ta A. Còn về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện xã mới đạt được 2 tiêu chí (quy hoạch; lao động việc làm), thậm chí tiêu chí quy hoạch được công nhận cũng mang tính… chiếu cố, chứ nếu đánh giá chi tiết, tiêu chí này vẫn chưa trọn vẹn. Vì vậy, có thể nói, do đặc thù địa lý và ranh giới hành chính, điều kiện kinh tế - xã hội… Tìa Dình giống như một “tam giác cụt”, vào cũng khó mà ra cũng khó!

Mặc dù xuất phát điểm của địa phương rất thấp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn như vậy, nhưng vẫn có những cộng đồng, người dân đã tự thay đổi từ suy nghĩ, đến cách làm và tìm ra hướng đi thúc đẩy kinh tế gia đình và địa phương. Ðiển hình là ở bản Háng Sua, người dân đang đóng góp công sức, đất đai, vật chất để làm con đường cắt ngang núi, nối với xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) khi tôi tỏ ý muốn vào thăm con đường chiến lược của người Háng Sua, nhìn đồng hồ đã gần 10 giờ sáng, anh Dia tỏ ra băn khoăn: Ðường vào bản Háng Sua khoảng 10km, nếu không mưa thì vẫn đi được xe máy vào đến gần vị trí làm đường nhưng nhà báo cần xác định là sẽ mệt và đói đấy! Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi.

Trên đường vào Háng Sua, anh Tráng A Dia chia sẻ: Sau khi nghe đề xuất của nhân dân bản Háng Sua về việc làm đường nối với xã Sam Kha, lãnh đạo xã đã họp bàn các điều kiện thủ tục pháp lý cũng như báo cáo lãnh đạo huyện lên các phương án. Theo chủ trương mới nhất của huyện, tuyến đường Háng Sua - bản Sam Kha, xã Sam Kha dài 3km có dự toán với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Huyện đang xây dựng phương án hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại, xã huy động từ nguồn xã hội hóa và đóng góp của người dân.

Có mặt tại địa điểm đang thi công tuyến đường đã gần giữa trưa, dưới nắng hè như đổ lửa nhưng công trường nhỏ vẫn sôi động tiếng máy, tiếng cuốc. Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng A Dua, trưởng bản Háng Sua cho biết: Xác định phải hoàn thành tuyến đường trước mùa mưa, nên mặc dù các nguồn kinh phí chưa được hạch toán chính thức (huyện hỗ trợ trước 50 triệu đồng) nhưng 30 hộ dân của bản đã tiến hành thi công được khoảng 40% khối lượng. Nhận thức được đường là của dân, phục vụ cho lợi ích của chính người dân nên việc hiến đất, hiến nương, góp công được bà con ủng hộ hoàn toàn mà không có bất cứ vướng mắc nào. Chúng tôi thi công theo phương án: Khó làm trước, dễ hoàn thành sau. Làm từ vị trí ranh giới giữa 2 tỉnh, trên đỉnh núi tiến dần về phía bản. Chỉ vào chiếc máy múc loại nhỏ đang vận hành tại công trường, ông Dua bảo: Ðó là máy múc của nhà anh Vàng Chá Già đầu tư để làm dịch vụ, khi có kế hoạch làm đường, bản đã thống nhất chi trả tiền dầu, do mong muốn tuyến đường sớm hoàn thành, anh Già đã chủ động tham gia thi công, ứng trước nhiên liệu vận hành máy. Hay như ông Vàng A Dua, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng thấy được lợi ích của việc làm đường nên hàng ngày ông vẫn tích cực tham gia, vừa để góp một phần công sức, vừa làm gương cho con cháu. Ông Dua chia sẻ: Như các anh đã thấy, bản Háng Sua nằm ở khu vực sâu, xa nhất của xã vùng sâu, vùng xa nhất huyện. Vì vậy, với quan điểm muốn phát triển thì phải kết nối, trước mắt là từ điều kiện thiết thực nhất là con đường. Hy vọng rằng, khi con đường hoàn thành sẽ giúp dân bản thông thương, trao đổi hàng hóa và cả việc vận dụng, hỗ trợ lẫn nhau trong sử dụng các dịch vụ xã hội như y tế, văn hóa.

Vẫn biết để phát triển một cách toàn diện các điều kiện, xây dựng nông thôn mới trở thành một chương trình mục tiêu mang tính toàn dân sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, biên giới như tỉnh ta. Con đường ở Háng Sua dù mới là sự khởi đầu trong xây dựng nông thôn mới, cũng chưa lớn về quy mô và còn vô vàn khó khăn đang chờ đợi phía trước. Nhưng thực sự điều quan trọng nhất là người dân nơi đây đã biết đổi mới ngay từ trong tư tưởng của chính mình.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top