Cựu chiến binh vượt khó thoát nghèo

08:34 - Thứ Tư, 20/06/2018 Lượt xem: 8563 In bài viết
ĐBP - Sau 3 năm nhập ngũ, tham gia chiến đấu, rèn luyện tại đơn vị D24 đóng quân ở huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu cũ); năm 1988 cựu chiến binh Phạm Văn Dưỡng (đội 7, xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên) xuất ngũ về địa phương lập gia đình, phát triển kinh tế. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại thêm 2 con nhỏ khiến gia đình ông luôn trong cảnh thiếu đói. Với nghị lực kiên cường của người lính, vượt khó vươn lên đến nay gia đình ông Dưỡng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã, là tấm gương trong xóa đói giảm nghèo của địa phương. 

 

Cựu chiến binh Phạm Văn Dưỡng cho cá ăn.

Nhớ lại những ngày tháng gian khổ, cựu chiến binh Phạm Văn Dưỡng chia sẻ: Những năm đầu sau khi lập gia đình, mặc dù chăm chỉ làm ruộng, tranh thủ đóng gạch, xẻ gỗ thuê nhưng gia đình vẫn chẳng đủ ăn, thường xuyên phải đi vay mượn. Với quyết tâm vươn lên, sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm cách thoát nghèo, năm 1995, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư ấp trứng vịt lộn bán đổ cho các quán ăn trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Công việc làm ăn bước đầu giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, tiếp thêm động lực để ông phát triển kinh tế. Ðến năm 1999, từ số vốn tích góp của gia đình cộng thêm số tiền 30 triệu đồng vay từ ngân hàng, ông mua 1,2ha đất ở và đất ruộng để làm trang trại, đào 6.000m2 ao nuôi cá thương phẩm, cá giống kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tích cực học hỏi kinh nghiệm nên công việc chăn nuôi của gia đình khá suôn sẻ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài hệ thống ao cá cho thu hoạch 2 vụ/năm (mỗi vụ lãi gần 100 triệu đồng), gia đình ông còn nuôi 300 con vịt đẻ trứng, 500 con gà. Thời kỳ cao điểm, gia đình ông còn nuôi hàng trăm con lợn thịt, giúp gia đình ông Dưỡng có nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm.

Thành công trong chăn nuôi không chỉ giúp gia đình cựu chiến binh Phạm Văn Dưỡng thoát đói, nghèo mà còn xây dựng được cơ ngơi khang trang, mua sắm vật dụng, máy móc cần thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, đầu năm 2018, gia đình ông trồng thêm 6.000m2 cây ăn quả các loại: nhãn, vải, xoài, mít, na…

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top