Chè cây thấp, giá trị kinh tế… thấp

08:26 - Thứ Sáu, 03/08/2018 Lượt xem: 9132 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, chè luôn được xác định là cây thế mạnh của huyện Tủa Chùa, phát triển cây chè là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm phát huy tiềm lực của địa phương. Tuy nhiên, trong khi chè cây cao đang dần khẳng định thương hiệu và khuyến khích được người dân quan tâm chăm sóc thì chè cây thấp lại chưa phát huy được giá trị kinh tế khiến người dân không mấy mặn mà.

Huyện Tủa Chùa hiện có 595,89ha chè, trong đó chè cây cao tập trung chủ yếu ở 2 xã: Sín Chải và Tả Sìn Thàng, còn lại ở xã Sính Phình và Tả Phìn chủ yếu là chè cây thấp. Qua khảo sát thực tế tại địa phương, hiện nay việc thu mua búp chè cây cao đã có sự cạnh tranh của nhiều cá nhân và đơn vị khác nhau, do vậy giá thu mua ngày càng tăng. Giá chè búp tươi tại xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng dao động ở mức 25.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, chè cây thấp tại xã Sính Phình và Tả Phìn chỉ bán được với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg (đã có trợ giá 3.000 đồng/kg từ ngân sách địa phương). Ngoài trợ giá 3.000 đồng/kg chè búp tươi thì huyện Tủa Chùa còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác để khuyến khích người dân trồng và chăm sóc cây chè theo các mục tiêu trong nghị quyết của huyện. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tủa Chùa, năng suất thu hái chè cây thấp bình quân hiện nay chỉ đạt 4,2 tạ/ha, bằng 1/19 năng suất chè bình quân của cả nước.

 

Chè cây cao ở Tủa Chùa đang dần khẳng định thương hiệu trong khi chè cây thấp chưa phát huy được giá trị kinh tế.

Năng suất thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế không như mong muốn, người dân xã Sính Phình và Tả Phìn ngày càng không mặn mà với trồng và chăm sóc cây chè. Qua kiểm tra hàng năm do Phòng NN&PTNT phối hợp với UBND các xã đánh giá, đo đạc để làm cơ sở thanh toán, chi trả chế độ hỗ trợ cho các hộ trồng chè thì diện tích hàng năm đều giảm. Ðến nay, tổng diện tích chè cây thấp thực tế còn đảm bảo về mật độ là 250ha, trong đó chè kinh doanh khoảng 188ha. Năm 2017, huyện Tủa Chùa được giao chỉ tiêu trồng mới 20ha chè trong vùng quy hoạch. Huyện đã hỗ trợ trên 140.000 cây chè giống, 26 tấn phân bón vô cơ và hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng chè. Tuy nhiên, diện tích cây chè trồng mới trong năm 2017 chỉ đạt 18,49ha.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tủa Chùa, cho biết: Quỹ đất phù hợp để mở rộng diện tích trồng chè hiện không còn nhiều, bên cạnh đó diện tích chè hiện có không đem lại giá trị kinh tế tương xứng nên người dân không mặn mà... Hiện nay, ngoài Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên thu mua chè búp tươi cho người dân thì chỉ có một vài hộ tự chế biến chứ cũng không có sự cạnh tranh của đơn vị thu mua nào khác. Mặt khác, theo báo cáo của đơn vị thu mua thì 70% lượng chè bán ra hàng năm là cung cấp cho thị trường trong tỉnh, thị trường ngoài tỉnh hạn chế và không ổn định nên từ năm 2014 đến nay, năm nào lượng chè tồn kho cũng nhiều. Ðến cuối năm 2017, lượng chè tồn kho là 8,5 tấn (năm 2016 là 5,5 tấn và năm 2017 là 3 tấn). Chính vì những nguyên nhân như vậy nên giá chè cây thấp luôn chỉ được thu mua bằng khoảng một nửa so với giá chè cây cao... Ông Tô Văn Tuân cho biết, sẽ đề nghị và tham mưu với huyện điều chỉnh chỉ tiêu phát triển cây chè theo nghị quyết; dừng trồng mới để tập trung chăm sóc diện tích chè hiện có và tìm đầu ra cho sản phẩm...

Ở một góc nhìn rộng hơn, theo thống kê của Phòng NN&PTNT, số tiền thu được từ sản phẩm chè búp tươi trong giai đoạn 2011 - 2016 trên địa bàn toàn huyện là khoảng 5 tỷ đồng (bao gồm cả trợ giá). Thế nhưng tổng số tiền huyện đầu tư để hỗ trợ cây giống, phân bón, gạo và trợ giá cho người trồng chè từ năm 2011 - 2017 lại lên đến 12,290 tỷ đồng! Thực tế đó đang đặt ra nhiều câu hỏi cho lãnh đạo huyện Tủa Chùa trong bài toán phát triển cây chè ở địa phương...

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top