Nhận diện chính xác đối tượng hộ nghèo để có giải pháp hiệu quả

08:05 - Thứ Tư, 26/09/2018 Lượt xem: 10842 In bài viết
ĐBP - Chuyển đánh giá hộ nghèo từ đơn chiều (theo tiêu chí thu nhập) sang đa chiều (dựa trên nhiều tiêu chí: thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin) sẽ hướng đến mục tiêu giảm nghèo toàn diện, bền vững hơn. Song để đạt hiệu quả thì việc nhận diện hộ nghèo đầy đủ, chính xác có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở đó mới đưa ra được những giải pháp hữu hiệu.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 (theo Báo cáo số 196/BC-BCÐ, ngày 7/2/2018 của Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh): Toàn tỉnh có 51.188 hộ nghèo (chiếm 41,01% tổng số hộ dân cư); hộ cận nghèo là 11.782 hộ (9,44%). Trong đó số hộ nghèo về thu nhập là 50.170 hộ (98,01%), số hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản là 1.108 hộ (1,99%).

 

Chăn nuôi đại gia súc là hướng giúp người dân giảm nghèo nhanh bền vững. Trong ảnh: Nông dân xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) chăm sóc đàn bò. Ảnh: Phạm Dương

Hình thức tiếp cận đa chiều tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, ngành nhận dạng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác; đánh giá được mức độ thay đổi khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, từ đó có giải pháp hỗ trợ, triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên. So với dân số của từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Mường Nhé (69,34%), trong đó có 98,74% hộ nghèo về thu nhập và 1,26% hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; thấp nhất là TP. Ðiện Biên Phủ với 67 hộ (0,46%) gồm 80,60% hộ nghèo về thu nhập và 19,40% hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Qua rà soát, phân tích cho thấy có sự chênh lệch lớn trong cơ cấu hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hộ dân với 50.466 hộ nghèo (chiếm 98,58% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh) và 11.488 hộ cận nghèo (97,50%). Trong đó, tỷ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 50.486 hộ (chiếm tỷ lệ 98,63%). Phân tích theo các chiều thiếu hụt, trong tổng số 51.188 hộ nghèo toàn tỉnh có 2,34% hộ nghèo thiếu hụt về y tế; 27,13% hộ nghèo về trình độ giáo dục người lớn; 4,40% tình trạng đi học của trẻ em; 30,63% về nhà ở; 9,71% về nước sạch và vệ sinh; 28,32% về tiếp cận thông tin. Phân tích về nhóm đối tượng có 6,23% là hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội; 0,05% hộ nghèo là đối tượng người có công; còn lại là hộ nghèo người dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều đã đo lường được thực trạng đời sống của người dân thông qua các tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí thiếu hụt của từng nhóm đối tượng, từng khu vực là căn cứ để xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp. Từ đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp, nguồn lực, phân công cụ thể cho các ngành, các cấp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Ðồng thời, đây là điều kiện để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng. Sau khi có kết quả điều tra, rà soát năm 2017, các huyện, thị xã, thành phố và ngành liên quan đã tập trung giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện giảm nghèo bền vững. Kết quả rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đa chiều là căn cứ để tỉnh có giải pháp hỗ trợ phù hợp, theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ, đối với nhóm nghèo về thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế; nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp cận. Ðể công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả, thời gian tới tỉnh ta sẽ thực hiện theo hướng giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp, nâng cao ý thức, nỗ lực thoát nghèo của người nghèo.

Chỉ tiêu giảm nghèo năm 2018 UBND tỉnh đề ra là phấn đấu giảm số hộ nghèo xuống còn 49.015 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 38,1% (riêng các huyện nghèo giảm 5,1%). Ðể thực hiện được mục tiêu trên, toàn tỉnh tiếp tục tập trung rà soát, phân tích hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, từ đó xác định nguyên nhân dẫn đến nghèo để thực hiện các giải pháp giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Với đặc thù một tỉnh miền núi, biên giới, chủ yếu là dân tộc thiểu số, theo giải pháp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh: Trước hết phải tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác giảm nghèo; đưa nội dung giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền và là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính quyền, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tiếp đó là đẩy mạnh tuyên truyền vận động hộ nghèo tự nguyện cam kết vươn lên thoát nghèo; tạo sự đồng thuận trong nhân dân gắn với sự tham gia giám sát của cộng đồng khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Ða dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng. Ðồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Về chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp tục hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số. Thực hiện hiệu quả chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cho vay vốn chính sách đối với học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top