Bước ngoặt trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

14:56 - Thứ Hai, 01/10/2018 Lượt xem: 9902 In bài viết
Theo kế hoạch, ngày 30-9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) tổ chức lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Sự ra đời của Ủy ban là một trong những bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tạo cơ sở để các bộ, UBND cấp tỉnh tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là quản lý nhà nước theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực và tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong 19 doanh nghiệp dự kiến được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Quản lý vốn theo các chuẩn mực quản trị tiên tiến

Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/2018/NQ-CP (ngày 3-2-2018) về thành lập Ủy ban, đơn vị này đã tập trung xây dựng hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ (khoảng hơn 40 quy chế) để có thể đi vào hoạt động ngay sau khi ra mắt. Hệ thống các quy chế nghiệp vụ này xác định rõ ràng quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, được xây dựng trên cơ sở bám sát các quy định pháp luật hiện hành và nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc quy trình quản lý vốn theo chuẩn mực quản trị tiên tiến. Đồng thời, Ủy ban chú trọng triển khai ngay công tác chuẩn bị bộ máy và nhân sự. Đội ngũ cán bộ được Ủy ban tìm kiếm và tuyển dụng theo đúng Đề án biên chế việc làm và biên chế được Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý DN, kết hợp với xây dựng Chính phủ điện tử, Ủy ban đang triển khai phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả DN, kết nối thông tin trực tiếp từ DN, giảm thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo; phân tích, đánh giá hiệu quả DN và hiệu quả đồng vốn nhà nước tại DN, thông qua các chỉ số tài chính, kinh doanh, tình hình tăng, giảm tổng giá trị vốn Nhà nước tại DN, đánh giá mức độ bảo toàn vốn của DN. Các chỉ số đều có ngưỡng cảnh báo và tự động cảnh báo, giúp Ủy ban kịp thời chỉ đạo rà soát và chủ động có biện pháp quản trị DN theo thẩm quyền, báo cáo tham mưu đầy đủ thông tin của DN với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. 

“Với sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ về thể chế pháp lý, quy trình, quy chế, nhân sự, cơ sở vật chất… Ủy ban sẵn sàng cho việc tiếp nhận các DN. Cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, Ủy ban sẽ chỉ đạo, điều hành bảo đảm hoạt động của DN không bị ảnh hưởng, gián đoạn khi chuyển giao về Ủy ban”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Sau khi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được ban hành, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về trình tự, thủ tục và trách nhiệm chuyển giao, tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Nguyên tắc đặt ra là chuyển giao nguyên trạng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đây là lần đầu Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN với những nhiệm vụ mang tính kỹ trị, đúng như thông lệ quốc tế về quản trị DN. Còn ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, để mô hình quản lý này phát huy hiệu quả, trước hết, Ủy ban phải chọn được nhân sự giỏi về quản trị DN. Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN đúng tiến độ, có chất lượng, hiệu quả.

Không chồng chéo với quản lý nhà nước

Được thành lập với mục đích hình thành cơ quan chuyên trách, tập trung đầu mối thực hiện quyền đại diện vốn nhà nước tại DN, Ủy ban có nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DN theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính DN, cơ chế giám sát về tài chính đối với các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, nhưng không can thiệp vào những vấn đề thuộc thẩm quyền của DN trong lĩnh vực điều hành, quản trị kinh doanh. 

Việc ra đời của Ủy ban được kỳ vọng là sẽ tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn tại DN, chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến quan ngại khi 19 tập đoàn, tổng công ty có giá trị tổng tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng được chuyển giao về Ủy ban nhưng vẫn chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, sẽ dẫn đến sự chồng chéo.

Đề cập vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhận định: Về nguyên tắc, Ủy ban chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan đại diện chủ sở hữu theo đúng quy định. Còn các bộ tiếp tục chủ trì nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với DN theo ngành, lĩnh vực được phân công, thông qua việc ban hành chính sách. Như vậy không có sự chồng chéo giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - DN thuộc danh sách bàn giao về Ủy ban, chức năng, nhiệm vụ của hai bên được phân định khá rõ. Cụ thể, khi chuyển giao về Ủy ban, ACV vẫn chịu sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải về hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng sân bay bảo đảm an ninh an toàn và chất lượng theo Luật Hàng không. Nhưng các vấn đề liên quan kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển và bảo toàn vốn, quản trị DN sẽ do Ủy ban quản lý. Trong quá trình triển khai thực hiện, có thể nảy sinh những vướng mắc, DN mong muốn Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn nhằm quy định rõ mối quan hệ giữa Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN, làm rõ đầu mối đối với từng công việc, tránh chồng chéo khi triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN sau khi bàn giao.

Được biết cơ chế phối hợp giữa Ủy ban và các bộ, ngành đã được quy định cụ thể trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để bảo đảm sự phối hợp có chất lượng, hiệu quả giữa Ủy ban và các bộ, ngành, nhất là trong việc chuyển giao DNNN từ các bộ về Ủy ban, nhằm tránh khoảng trống pháp lý hay làm gián đoạn công tác quản lý vốn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và quá trình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, rất cần sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Chính phủ.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top