Huyện Ðiện Biên với thành tựu thoát nghèo

10:17 - Thứ Năm, 01/11/2018 Lượt xem: 12163 In bài viết

ĐBP - Là địa phương có số dân đông nhất trong số các đơn vị cấp huyện của tỉnh, những năm qua, công cuộc xóa đói giảm nghèo (XÐGN) của huyện Ðiện Biên đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Thành công đó không chỉ giúp cho người dân trong huyện có mức sống cao hơn mà hơn thế, còn khẳng định vai trò là huyện trọng điểm về kinh tế của tỉnh...

 

Cơ giới hóa nông nghiệp trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Thu Loan

Trong buổi làm việc với chúng tôi, “chia sẻ” đầu tiên về công tác XÐGN của Bí thư Huyện ủy Phạm Ðức Toàn, lại là những trăn trở về việc đời sống của nhân dân nhìn chung được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở mức thấp hơn so với các huyện khác trong tỉnh, tuy nhiên, do dân số chiếm khoảng 20% dân số toàn tỉnh nên số hộ nghèo của huyện tính theo số tuyệt đối vẫn là con số không nhỏ. Ðịa bàn tập trung chủ yếu các hộ nghèo, hộ cận nghèo là các xã vùng ngoài, vùng sâu vùng xa, biên giới như Mường Lói, Phu Luông, Mường Nhà, Na Tông, Pa Thơm... Nói về nguyên nhân khiến công tác XÐGN ở những xã trên còn chưa được như mong muốn, ông Phạm Ðức Toàn cho rằng do điều kiện canh tác, sản xuất ở các địa bàn này khó khăn hơn khu vực lòng chảo, hạ tầng còn thiếu thốn, do khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật hạn chế hơn; một số phong tục tập quán lạc hậu, nạn tảo hôn, sinh nhiều con vẫn tồn tại, đối tượng mắc tệ nạn xã hội nhiều, riêng nghiện ma túy, đến nay toàn huyện còn khoảng 2.200 người. Mặt khác, một số chính sách, dự án giảm nghèo còn nặng về hỗ trợ vật chất trực tiếp, vô hình trung làm cho một số hộ dân chưa thực sự nỗ lực phấn đấu thoát nghèo.

Nói về hiệu quả của công tác XÐGN, điều đương nhiên phải kể đến là yếu tố con người, nhất là con người với vai trò “chèo lái”. Từ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, Huyện ủy đã chỉ đạo ban chỉ đạo giảm nghèo và các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp xã thực hiện đồng bộ các chính sách, đồng thời huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để thực hiện chính sách XÐGN. Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện chính sách XÐGN được nâng lên, các hộ nghèo dân tộc thiểu số, các hộ ở các xã vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách XÐGN, các dịch vụ xã hội cơ bản của Nhà nước. Trong khi đó, các chính sách XÐGN mới có tính đặc thù, được triển khai đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðược tỉnh và huyện ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư xây dựng các công trình... đã có tác động trực tiếp đến đời sống và tư duy sản xuất của người nghèo.

Theo thống kê, trong 3 năm gần đây (2016, 2017 và 2018), tổng nguồn vốn hỗ trợ cho Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là trên 62.500 triệu đồng (năm 2016 là 17.730 triệu đồng, năm 2017 là 21.853 triệu đồng, năm 2018 dự kiến trên 23.000 triệu đồng). Tính đến đầu quý II/2018, trên địa bàn huyện có 2.337 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 29,03% đầu năm 2016 xuống còn 19,74% vào đầu năm 2018. Như vậy tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của toàn huyện giai đoạn 2016 - 2018 khoảng 3,7%/năm. Ðiển hình như xã Thanh Nưa đầu năm 2016 còn 307 hộ nghèo, hết quý II/2018 còn 118 hộ (giảm 189 hộ); xã Mường Phăng đầu năm 2016 còn 437 hộ nghèo, hết quý II/2018 còn 183 hộ (giảm 254 hộ); xã Nà Nhạn đầu năm 2016 còn 486 hộ nghèo, hết quý II/2018 còn 280 hộ (giảm 206 hộ)... Ba xã trên phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2017 và 2018, nên cấp ủy, chính quyền và nhân dân có những cách làm sáng tạo và quyết tâm chính trị rất lớn. Ðây là kết quả thực chất và tương xứng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như nỗ lực của chính các hộ nghèo. Thực tế con số này còn có thể cao hơn vì theo phương pháp thống kê hiện nay, một số khoản kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho y tế và giáo dục chưa được cộng vào thu nhập của các hộ thuộc biên chế hành chính. Huyện đã có chỉ đạo về việc rà soát lại các tiêu chí thống kê để đánh giá đúng thực trạng nghèo và kết quả XÐGN, trên địa bàn 25 đơn vị hành chính trực thuộc.

 

Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP được triển khai tại 2 đội 18, 19, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Lan Phương

Ðề cập phương châm chỉ đạo của lãnh đạo huyện và các phòng ban chức năng, ông Phạm Ðức Toàn cho biết: Huyện tập trung thực hiện việc XÐGN theo địa chỉ, cách làm này không phải là mới mà đã được triển khai từ giai đoạn 2011 - 2015. Huyện Ðiện Biên chỉ đạo theo dõi thường xuyên và thực hiện việc rà soát đánh giá hộ nghèo theo từng quý. Ngay khi có kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, huyện đã tiến hành phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo giúp đỡ từng xã. Bên cạnh đó, huyện đã định hướng cho cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo. Những gia đình tuy không đăng ký thoát nghèo nhưng đã tự vươn lên thoát nghèo, cũng là đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Với những gia đình thuộc diện “tự thoát nghèo” này, cơ quan chuyên môn cần tìm hiểu nguyên nhân nghèo và nhất là khả năng thoát nghèo của họ, từ đó tuyên truyền cho các gia đình khác có thể học tập.

Hàng tháng, Huyện ủy phân công các đồng chí huyện ủy viên đi cơ sở kiểm tra nắm tình hình thực hiện công tác giảm nghèo tại các xã trong huyện. Thường trực Huyện ủy, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách các xã thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong đó có nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Ngay sau khi được phân công nhiệm vụ, các thành viên ban chỉ đạo đã trực tiếp xuống xã do mình phụ trách tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của các hộ nghèo để tìm ra hướng thoát nghèo phù hợp cho mỗi hộ. Khi đã tìm ra hướng phát triển kinh tế, xã tạo điều kiện để họ tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp họ học hỏi kiến thức, tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên cơ sở thực trạng đói nghèo để xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm phù hợp với nguồn lực hỗ trợ và sự trợ giúp của cộng đồng, có sự cam kết của các hộ, với cách làm này đã đem đến hiệu quả giảm nghèo tương đối cao và bền vững như đã nêu trên.

Như mọi người đều thấy, hiện nay cơ sở hạ tầng vùng nông thôn trong huyện có nhiều đổi thay tích cực, các công trình công cộng (trường học, trạm y tế, điện thắp sáng, đường giao thông, công trình thủy lợi...) được đầu tư, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất, như: Giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, chuồng trại; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; kiến thức sản xuất của người dân được nâng lên rõ rệt, giúp cho người dân dần thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Việc giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đã tạo điều kiện cho một bộ phận nhân dân, trong đó các hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống về vật chất và yên tâm về tư tưởng, tình cảm; tạo nên sự yên vui trong các gia đình cũng như trong từng cộng đồng làng bản, xóm thôn.

Không bằng lòng với kết quả đã đạt, Bí thư Huyện ủy Phạm Ðức Toàn khẳng định, huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chuyển từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo. Tăng cường việc trao quyền tự quyết cho người dân và cho cộng đồng để họ phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp với đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đi đôi với trách nhiệm giải trình. Nguồn lực thực hiện Chương trình chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng, điều này được thể hiện rõ trong cách thức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền để người nghèo chủ động vượt khó, có ý thức thoát nghèo. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền phải thiết thực, cụ thể để người dân hiểu được vì sao phải XÐGN và trách nhiệm của mỗi người...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top