Ưu tiên hỗ trợ sản xuất để giảm nghèo bền vững

15:55 - Thứ Tư, 14/11/2018 Lượt xem: 10532 In bài viết

ĐBP - Hỗ trợ sản xuất là nội dung quan trọng, thực sự cần thiết để giúp người dân giảm nghèo bền vững đối với địa bàn vùng cao, thuần nông như tỉnh ta. Với tinh thần ấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2018 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội chú trọng nhiều đến các chương trình hỗ trợ cây, con giống, triển khai mô hình sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi với những hiệu quả đã được ghi nhận.

Người dân xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ từ nguồn vốn Nghị quyết 30a.

Năm 2017, gia đình anh Lý A Hềnh, bản Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà) vừa mới thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, việc chăn nuôi cũng không thuận lợi, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy vạt nương nên có nguy cơ tái nghèo. Xét hoàn cảnh đó, trong năm, gia đình anh cùng 2 hộ trong bản (lập thành nhóm hộ) được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản nuôi theo hình thức luân phiên bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135. Anh Hềnh cho biết: Gia đình tôi được phân công chăm bò năm đầu, sau hơn 1 năm bò mẹ phát triển, sinh trưởng tốt và đẻ được 1 bê. Đợi bê cứng cáp tôi sẽ chuyển cho hộ khác chăm sóc. Từ đây nhà tôi có thêm điều kiện để thoát nghèo bền vững.

Tại TP. Điện Biên Phủ, theo thông tin của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, từ khi thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về giảm nghèo bền vững, việc hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả, đúng đối tượng. Trong đó có thể kể đến việc hỗ trợ các hộ gia đình tham gia góp đất trồng cây cao su (148 hộ và 1 tập thể bản Co Củ, xã Thanh Minh) với tổng diện tích 34,8ha, định mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha, tổng kinh phí đã thực hiện trên 156 triệu đồng; hỗ trợ giống nông nghiệp trên 51,5 tấn, 17.500 cây phân tán; hỗ trợ tiêm phòng dịch trong chăn nuôi gần 100.000 liều; thực hiện 1 dự án nuôi bò sinh sản cho 20 hộ nghèo; mở 53 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 5.000 lượt người… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm đều hàng năm, từ 112 hộ nghèo, tỷ lệ 0,83% vào năm 2014 đến nay còn 67 hộ nghèo, tỷ lệ 0,46%, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các xã, phường cũng dần được thu hẹp. Thành phố phấn đấu đến 31/12/2018 trên địa bàn còn 43 hộ nghèo, tỷ lệ 0,3%.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu được lồng ghép trong Nghị quyết 30a, Chương trình135. Theo đó đối với các huyện 30a, giai đoạn 2015 - 2017 đã có hơn 6.200 lượt hộ thụ hưởng hỗ trợ một lần tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao với kinh phí hơn 84,4 tỷ đồng. Riêng năm 2018, có 435 hộ được nhận hỗ trợ giống cây trồng mới, bao gồm: 30ha cà phê, 70ha cây ăn quả (cam, nhãn, xoài, chanh leo…), kinh phí trên 4 tỷ đồng; mua giống vật nuôi cho 3.693 hộ, kinh phí trên 35 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này, 1.149 hộ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0%, làm chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ cải tạo ao nuôi thủy sản và trồng cỏ phát triển chăn nuôi với trên 2 tỷ đồng. Việc xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ năm 2015 - 2017 đã thực hiện 2 mô hình cho 70 hộ tham gia, hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 755 lao động; đồng thời hỗ trợ 432 bộ dụng cụ và máy móc. Năm 2018, dự kiến hoàn thành hỗ trợ nhân rộng 4 mô hình trồng trọt, 556 hộ tham gia; 10 mô hình chăn nuôi cho 200 hộ; hỗ trợ công cụ sản xuất, máy móc chế biến và bảo quản nông sản cho 140 hộ nghèo.

Còn đối với Chương trình 135, từ năm 2015 - 2018, kinh phí phân bổ hỗ trợ sản xuất là gần 115 tỷ đồng. Kết quả đã hỗ trợ nhiều loại giống cây trồng (0,6 tấn giống lúa, ngô, đậu tương, hàng chục nghìn cây ăn quả các loại, 27.500 cây sa nhân tím...) và vật nuôi (trên 2.000 con trâu, bò, dê, lợn; khoảng 47.000 con gia cầm); hỗ trợ vật tư sản xuất (hơn 56.600 liều thuốc thú y, bảo vệ thực vật, 3,4 tấn phân bón, 323,42 tấn thức ăn chăn nuôi)...

Tại các địa bàn không thụ hưởng theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135 thì trong 3 năm 2016 - 2018 nguồn vốn thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và mô hình giảm nghèo là gần 3 tỷ đồng. Một số mô hình đạt hiệu quả cao như: nhân rộng mô hình kinh tế chăn nuôi bò sinh sản, gà lai chọi cho 100 hộ dân; hỗ trợ 17 con bò sinh sản cho 38 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực; giống cây ăn quả cho nhiều hộ nghèo…

Nhờ các chương trình, dự án, nhiều hộ nghèo trong toàn tỉnh có thêm sinh kế và điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% (cuối năm 2015) xuống còn 41,01% (đầu năm 2018), giảm 7,13%. Những kết quả đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế -  xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong thời gian qua.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top