Ðể người dân gắn bó với rừng

09:43 - Thứ Năm, 15/11/2018 Lượt xem: 12185 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm trước đây, Mường Nhé là huyện có tỷ lệ phá rừng thuộc “tốp” đầu của tỉnh, tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp với hàng trăm héc ta rừng tái sinh, rừng sản xuất bị tàn phá nặng nề. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là từ chính sách hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước trong việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã khơi gợi tinh thần đoàn kết, để người dân thêm yêu, gắn bó với rừng... và giúp rừng có thể hồi sinh.

 

Người dân xã Leng Su Sìn chăm sóc, bảo vệ rừng.

Ðến với bản Tả Ló San, xã Sen Thượng những ngày trung tuần tháng 11, nhìn những cánh rừng bạt ngàn phủ màu xanh mượt mà trải dài khắp các sườn đồi, đó là thành quả của biết bao thế hệ người Hà Nhì ở vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc đã và đang nỗ lực chăm sóc rừng như bảo vệ cho chính “mầm sống” của họ… Tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, trên khắp các nẻo đường mòn, bà con nơi đây đã hăng hái tập hợp, chuẩn bị cuốc, xẻng, gùi cây giống... sẵn sàng cho ngày trồng rừng. Trưởng bản Lỳ Khò Chừ phấn khởi nói: “Chúng tôi rất vui khi thấy rừng ngày một thêm xanh, nhiều chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển vốn rừng của Ðảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. Nếu trước đây người Hà Nhì có lối sống du canh, du cư, phá rừng làm nương thì giờ đây nhận thức về chăm sóc, bảo vệ rừng của người Hà Nhì đã có sự thay đổi rõ rệt; bà con thường xuyên được cán bộ tuyên truyền về lợi ích của rừng, tác hại của việc chặt phá rừng... Cùng với đó, từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân có nguồn thu nhập ổn định nên ý thức giữ rừng ngày một nâng lên. Theo số liệu thống kê, rừng thuộc diện khoanh nuôi và bảo vệ của bản là hơn 2.700ha.

Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Là xã vùng cao biên giới, 100% người dân tộc Hà Nhì. Những năm qua, để thay đổi nhận thức và giúp người dân thêm yêu, gắn bó, chăm sóc bảo vệ rừng, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cán bộ kiểm lâm tăng cường cán bộ xuống các bản đẩy mạnh tuyên truyền. Ðặc biệt, từ khi giao rừng cho cộng đồng thôn, bản quản lý, tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản giảm rõ rệt. Người dân ở các bản đều ý thức được việc giữ rừng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Năm 2017, với số tiền chi trả DVMTR là hơn 2,2 tỷ đồng đã giúp người dân xã Sen Thượng có cuộc sống ổn định và phát triển hơn. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Sen Thượng không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, công tác quản lý và bảo vệ rừng được chính quyền và người dân thực hiện tốt.

Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé cho biết: Ðơn vị được giao quản lý 45.132ha diện tích rừng đặc dụng (cấp sổ đỏ: 44.309,89ha; giao quản lý 822,24ha...) là nơi có giá trị quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học... Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học luôn được Ban Quản lý đặt lên hàng đầu.

Lâu nay, bảo vệ, quản lý và phát triển rừng trên địa bàn huyện luôn là vấn đề “nóng” được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Tuy nhiên, để người dân yên tâm gắn bó với rừng thì một trong những điều cốt yếu là phải đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định. Hiểu được điều đó, những năm qua, để khuyến khích người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các bản vùng cao, biên giới chăm sóc bảo vệ rừng với phương châm “Tôn trọng, quan tâm đến cuộc sống cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân...”; Khu BTTN Mường Nhé đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ khi nhận giao đất rừng (tổ chức 21 buổi với gần 1.000 lượt nghe). 9 tháng qua, tổng diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 27.526,47ha (khoán bảo vệ rừng cho 31 nhóm thuộc 29 bản, cộng đồng các xã vùng đệm như: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải... khoán bảo vệ rừng cho 11 nhóm lực lượng vũ trang).

Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Theo thống kê, đến hết tháng 10 Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền công bảo vệ rừng đợt 1 cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng hơn 13 tỷ đồng. Hơn nữa, các chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng tăng cường công tác tuần tra, giám sát trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm rõ rệt.

Cùng với thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân, để tìm hướng đi mới trong trồng và phát triển rừng trồng, Khu BTTN Mường Nhé đã tích cực tìm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh cho các dự án hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Ðiển hình như Ðề tài “Mô hình sản xuất trồng cây sa nhân dưới tán rừng sản xuất, vườn cây ăn quả tại vùng đệm khu BTTN Mường Nhé”... Ðồng thời, hỗ trợ 9/26 bản mua sắm các dụng cụ thiết bị máy móc để cấp phát phục vụ nhân dân sản xuất, trồng rừng.

Chia tay Mường Nhé, chúng tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của ông Trần Xuân Tâm: Không ai yêu và gắn bó với rừng bằng bà con các dân tộc vùng cao; không ai có kinh nghiệm trồng và bảo vệ rừng bằng họ; do vậy, cần “đánh thức” vai trò của nhân dân; khi họ được hưởng những lợi ích mà rừng mang lại thì chính họ sẽ thêm yêu, gắn bó với rừng, kiên quyết bám trụ với rừng.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top