Cầu nối để ÐVTN khởi nghiệp

09:28 - Thứ Tư, 28/11/2018 Lượt xem: 10321 In bài viết

ĐBP - Cùng với sự tiếp sức của nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và ý chí nghị lực vươn lên, nhiều đoàn viên thanh niên (ÐVTN) trong tỉnh đã thoát nghèo thành công và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Từ nguồn vốn này, thông qua các tổ chức đoàn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, chủ trang trại trẻ… đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội.

 

Anh Tòng Văn Học, bản Na Luông, xã Ẳng Nưa chăm sóc đàn lợn.

Mô hình VAC của anh Tòng Văn Học, bản Na Luông, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) là một minh chứng rõ nét cho phong trào thanh niên khởi nghiệp có hiệu quả cao từ nguồn tín dụng ưu đãi. Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế, năm 2015 thông qua nguồn vốn vay ủy thác qua Huyện đoàn, anh Học vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi; đào ao thả cá... Hiện nay, gia đình anh nuôi trên 50 con lợn thịt và hàng trăm con gia cầm các loại; trồng 1.500m2 ruộng; đào 800m2 ao cá cung cấp hơn 1 tấn cá/năm ra thị trường. Mỗi năm, trừ chi phí thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh Tòng Văn Học, chia sẻ: “Trước đây, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên không có nguồn vốn để phát triển kinh tế. Thông qua tổ chức Ðoàn tôi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH để khởi nghiệp. Nguồn vốn đó đã giúp tôi có thêm sinh kế để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Xác định ÐVTN là lực lượng xung kích, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Ðồng hành cùng ÐVTN khởi nghiệp, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng CSXH quản lý tốt vốn vay ủy thác, tạo điều kiện thuận lợi để ÐVTN dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và có cơ hội để phát triển kinh tế. Cùng với đó, nguồn vốn nhận ủy thác được đoàn các cấp quản lý và bình xét cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; thông báo kịp thời cho Ngân hàng CSXH về các trường hợp sử dụng vốn vay bị rủi ro để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện, Ðoàn Thanh niên đang quản lý 561 tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư với 19.175 thành viên với tổng dư nợ 636,345 tỷ đồng. Việc đôn đốc hộ vay trả lãi, trả gốc và thực hiện thu lãi được thực hiện theo đúng hợp đồng. Chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên. Ðặc biệt, mục đích sử dụng nguồn vốn đã được mở rộng và đa dạng hơn với nhiều hạng mục, như: Phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ, khôi phục các ngành nghề truyền thống… Nhờ có nguồn vốn vay ủy thác mà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, các câu lạc bộ hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với đó, để ÐVTN có thêm kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đồng hành cùng ÐVTN trong khởi nghiệp, hoạt động hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tư vấn giải quyết việc làm cho ÐVTN... Từ đó, chung tay góp sức, đưa phong trào “lập thân, lập nghiệp” của tuổi trẻ Ðiện Biên ngày càng phát triển; hỗ trợ ÐVTN có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top