Tuần Giáo chủ động phòng, chống rét cho gia súc

09:19 - Thứ Tư, 16/01/2019 Lượt xem: 9417 In bài viết

ĐBP - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trong vụ đông xuân 2018 - 2019 có nhiều diễn biến phức tạp có thể đi kèm nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4 - 7 ngày ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Chính vì vậy, huyện Tuần Giáo chủ động nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc trước nguy cơ đối diện với tình thế thời tiết khắc nghiệt này.

 

Nông dân xã Quài Nưa chăm sóc gia súc.

Ngay khi bước vào mùa đông, huyện Tuần Giáo đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND xã, thị trấn và các khối, bản trên địa bàn huyện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng, chống rét cho vật nuôi đến các hộ gia đình nông dân. Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Ước đến hết năm 2018, toàn huyện có tổng đàn gia súc tương đối lớn với đàn trâu có 22.120 con, đàn bò có 8.750 con, đàn lợn 64.900 con... Nhằm phát triển ổn định đàn gia súc trên địa bàn, không để gia súc bị chết đói, rét trong vụ đông - xuân; khống chế, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhiễm, phát sinh và lây lan ra diện rộng, phòng đã xây dựng phương án phòng, chống đói rét phù hợp với điều kiện của địa phương. Về chuồng trại, phòng hướng dẫn các hộ gia đình chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; dự trữ chất đốt (củi, trấu, mùn cưa...) để đốt, sưởi cho trâu, bò, dê trong những ngày rét đậm, rét hại. Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nhất là với trâu, bò già yếu, gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh. Các hộ thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò, dê. Trong đó, cần chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, vitamin để cung cấp đủ cho trâu, bò, dê trong những ngày giá rét. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, các hộ đưa trâu, bò, dê về chỗ nuôi nhốt, không thả rông trong rừng, núi. Những ngày thời tiết nắng ấm có thể chủ động chăn thả có kiểm soát và buổi tối phải cho trâu, bò, dê về chuồng. Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin: Lở mồm long móng (trâu, bò, dê), Nhiệt thán (trâu, bò, dê), Tụ huyết trùng (trâu, bò)... theo lịch phòng bệnh và hướng dẫn của cơ quan thú y.

Ngay đầu mùa đông, gia đình ông Quàng Văn Thủy, bản Noong Giáng, xã Quài Nưa tập trung xây dựng kiên cố lại khu chuồng trại gia súc của gia đình để giữ ấm cho 13 con bò trong thời điểm giá rét. Ông Thủy cho biết: Ngoài đảm bảo chuồng trại nuôi nhốt, ông còn tích trữ rơm, trồng thêm 4.000m2 cỏ để làm nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc khi phải nuôi nhốt trong chuồng. Ðồng thời, ông chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn tinh bột như cám, ngô… làm thức ăn cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài. Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông còn tích cực thông báo đến các hộ gia đình trong bản, xã khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp chống rét, giảm thiểu tối đa thiệt hại do giá rét đối với đàn gia súc. Ngoài gia đình ông Thủy, các gia đình chăn nuôi gia súc ở xã Quài Nưa cũng chú trọng phòng, chống rét cho vật nuôi, chủ động nhốt gia súc ở chuồng, không thả rông khi thời tiết có chuyển biến xấu. Không chỉ vậy, để giữ ấm cho gia súc, bà con dùng bạt quây quanh chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm khi nhiệt độ xuống thấp, bổ sung muối vào nước uống để tăng sức đề kháng cho gia súc…

Bà Phạm Thị Tuyên cho biết thêm: Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm thống kê đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi bị thiệt hại trong thời điểm giá rét để huyện thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho người sản xuất theo quy định. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch huyện nếu để tình trạng vật nuôi, thủy sản bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan hoặc không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn. Huyện cương quyết không hỗ trợ phòng chống rét, dịch bệnh hại cho vật nuôi đối với những địa phương, hộ gia đình không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh trong sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top